Liên đoàn Lao động Hà Nội vừa thông tin về tình hình lương, thưởng Tết năm 2024 tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, cho thấy mức tiền lương của người lao động cơ bản giữ được mức như năm ngoái, song thưởng Tết giảm.
MỨC LƯƠNG GIỮ NGUYÊN Ở HẦU HẾT LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP
Về mức lương trung bình của người lao động năm 2023, thống kê của Liên đoàn Lao động Hà Nội cho thấy, bằng với năm 2022 hoặc tăng không đáng kể tùy loại hình doanh nghiệp.
Trong đó, chỉ các doanh nghiệp thuộc Công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước tăng 0,72% so với năm 2022, tương ứng tăng từ 6,95 triệu đồng lên 7 triệu đồng. Tuy nhiên mức tiền lương cao nhất ở khu vực này giảm mạnh, từ 70 triệu đồng còn 29,8 triệu đồng. Riêng mức tiền lương thấp nhất giữ nguyên với 5,1 triệu đồng.
Đối với các loại hình doanh nghiệp còn lại đều bằng năm 2022. Cụ thể, khối doanh nghiệp dân doanh, tiền lương bình quân đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất 125 triệu đồng/người/tháng (giảm so với mức 180 triệu đồng của năm 2023); mức lương thấp nhất 4,68 triệu đồng.
Khối doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân đạt 7,4 triệu đồng. Mức cao nhất và thấp nhất bằng năm 2022, lần lượt đạt 70 triệu đồng và 4,68 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiền lương bình quân cũng đạt 7 triệu đồng. Mức tiền lương cao nhất so với năm ngoái giảm nhẹ, còn 25 triệu đồng (năm 2022 đạt 34 triệu đồng). Tiền lương thấp nhất ở khu vực này giữ ở mức 5,1 triệu đồng.
Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, điều này cho thấy do khủng hoảng kinh tế dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí chi trả lương cho người lao động.
Do đó, thu nhập hiện nay vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, nguyên nhân vì giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ xã hội tăng cao.
Về tiền thưởng Tết 2024, mức thưởng trung bình của người lao động ở các loại hình doanh nghiệp đều giảm so với năm 2023. Trong đó, riêng thưởng Tết Dương lịch 2023 giảm từ 16,67% đến 32,31% so với Tết 2022.
Thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng giảm từ 1,41% đến 2,44% so với Tết Quý Mão 2023. Mức giảm sâu nhất thuộc các ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ.
Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp thiếu, hoặc không có đơn hàng trong những tháng cuối năm phải cắt giảm giờ làm, giảm nhân công. Tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp trên địa bàn khó khăn dẫn đến việc làm và thu nhập của người lao động tiếp tục có chiều hướng giảm.
Để chăm lo cho người lao động, đảm bảo mọi lao động đều có Tết, Công đoàn Hà Nội đã triển khai kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tới các cấp công đoàn với nhiều hoạt động như: Tổ chức chương trình Tết Sum vầy - Xuân gắn kết và Chợ Tết Công đoàn, tặng phiếu mua hàng cho người lao động; Hành trình Tết Công đoàn hỗ trợ đưa - đón công nhân lao động về quê đón Tết và quay trở lại làm việc; hỗ trợ sửa "Mái ấm công đoàn"; thăm hỏi, tặng quà người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
THU NHẬP CHƯA ĐÁP ỨNG MỨC SỐNG TỐI THIỂU CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Theo Liên đoàn Lao động Hà Nội, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2023 còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến tạm ngừng, giải thể, thu hẹp sản xuất.
Từ đó, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của công nhân lao động. Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động một số nơi còn vi phạm.
Năm 2023, trên địa bàn Thủ đô có hơn 87.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, với số tiền nợ trên 5.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống chế độ chính sách của 940.859 người lao động.
Trong đó, số nợ đọng của các đơn vị, doanh nghiệp đã đóng cửa, ngừng giao dịch là 1.654,8 tỷ đồng, chiếm 31% tổng số tiền nợ đọng.
Đặc biệt, thời gian nợ đọng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, gây bức xúc đối với người lao động.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, theo báo cáo của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có trên 90% các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ.
Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động mới đạt mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
Liên quan đến vấn đề tiền lương, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, Quốc hội đã “chốt” từ ngày 1/7/2024 cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Ba đối tượng gồm khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực hưu trí, người có công và các đối tượng chính sách xã hội liên quan.
Riêng trong khu vực doanh nghiệp, để đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công sẽ có các giải pháp thực hiện thống nhất từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước có trách nhiệm đưa “bàn tay” của mình để đảm bảo mức lương tối thiểu làm căn cứ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thương thảo, không thấp hơn mức lương tối thiểu này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6% trong năm 2024. Việc này đã được thống nhất 3 bên giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).