Những thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm với chủ đề “Chỗ ở và nhà ở – Nhu cầu cấp bách của công nhân”, chiều 27/4.
CÔNG NHÂN CỰC KỲ KHÓ MUA ĐƯỢC NHÀ TỪ LƯƠNG
Đánh giá nhu cầu nhà ở và nhà ở xã hội của công nhân hiện nay, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, ai cũng có nhu cầu về nhà ở, nhưng qua khảo sát thì hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư tại các tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An..., tỷ lệ lao động nhập cư lên đến hơn 60%. Trong khi đó, ngay cả công nhân tại địa phương có nhà ở cũng là ở với gia đình, còn từ thu nhập để mua nhà là cực kỳ khó.
“Gỉa định hai vợ chồng công nhân phải nuôi hai đứa con, với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/tháng thì theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi họ tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng cũng phải tích lũy bình quân từ 10 – 20 năm mới có thể mua được nhà, thậm chí có gia đình không bao giờ mua được nhà, bởi làm đến đâu tiêu hết đến đấy với mức thu nhập như hiện nay”, ông Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, với công nhân, theo thống kê có từ 80 – 90% đang phải thuê nhà tại các khu trọ do người dân quanh khu công nghiệp xây nên, số ít ở trong các ký túc xá của các doanh nghiệp, số mua được nhà ở có tính chất nhà ở xã hội rất ít.
“Nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân là rất lớn, nhưng vấn đề là sở hữu, thuê hay ở ghép, ở chung. Nhà ở gắn với chỗ ở, nơi sinh sống, chứ không phải là câu chuyện trong 10 – 12m2, mà cần gắn với tất cả các thiết chế, môi trường, các mối quan hệ cộng đồng dân cư, để người lao động sống và làm việc”, ông Tiến chia sẻ.
Tại một trong những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và có đông công nhân ngoại tỉnh đến làm việc, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp với xấp xỉ gần 170.000 công nhân đang làm việc, nhu cầu nhà ở của người lao động hiện nay thành phố chưa đáp ứng được.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp đang rất lớn và cấp bách. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 30/11/2011.
Trong số 10 khu công nghiệp thì chỉ có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở công nhân, nhưng cũng đã triển khai xây dừng từ gần 20 năm trước, tỷ lệ số nhà ở dành cho công nhân lao động mới đáp ứng được trên 13%. Tổng số nhà ở công nhân dành cho người lao động mới bố trí được trên 22.000 chỗ ở trên tổng số gần 170.000 công nhân.
“Qua thường xuyên tiếp xúc với công nhân, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người lao động dù được cải thiện hơn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập sụt giảm, nhiều người mất việc làm, khiến cuộc sống càng bấp bênh hơn. Nhiều công nhân phải đi thuê nhà trọ, vì vậy nhà ở xã hội dành cho công nhân là rất cấp thiết, nhất là với những người có gia đình”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng thừa nhận, phần lớn công nhân hiện nay đều thuê trọ trong những căn phòng 10m2, với mức thuê từ 500 đến 1 triệu đồng, với những phòng từ 15 – 20m2 thường có giá trên 1 triệu.
Điều kiện chỗ ở chật chội khiến chất lượng sống của người lao động bị ảnh hưởng rất lớn. “10m2 này vừa là chỗ sinh hoạt vừa là chỗ ngủ, nghỉ. Chỗ ở của công nhân thường ẩm thấp, tạm thời và không lâu dài, nhanh xuống cấp, điều kiện không đảm bảo khiến sức khỏa của người lao động bị ảnh hưởng, từ đó dẫn đến năng suất lao động thấp”, ông Nghĩa thông tin.
Bên cạnh đó, các yếu tố đi liền bên ngoài như nơi vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, nơi gửi trẻ cũng gần như không có.
GIẢI BÀI TOÁN LƯƠNG KHÔNG ĐỦ SỐNG
Theo các chuyên gia, vấn đề nhà ở cho công nhân dù rất cấp thiết, song thực tế giải quyết vấn đề này sẽ cần rất nhiều thời gian, và chính sách đồng bộ. Vì thực tế, vẫn còn rất nhiều vướng mắc từ cơ chế, chính sách, điều kiện đầu tư, vốn, hạ tầng...
Ngay như Hà Nội, ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất cho biết, khó khăn là thiếu quỹ đất, bởi các khu công nghiệp trên địa bàn được xây dựng từ rất lâu, cơ bản quỹ đất hiện không còn, trong khi các nhà đầu tư cũng cũng không mặn mà với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
“Ngoài thiếu quỹ đất, ngân sách cho xây nhà ở xã hội cũng còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mặn mà do vướng cơ chế chính sách, hơn nữa, lợi nhuận hầu như rất thấp, thậm chí không có. Đồng thời, cũng chưa có quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, ông Tuấn trăn trở.
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn cũng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn nhà ở thương mại nên các chủ đầu tư không mặn mà, thậm chí trong 3 năm đơn vị này chỉ kêu gọi được 2 nhà đầu tư nhà ở xã hội.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, cần đa hạng hóa các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường; tăng cường tiếp cận các nguồn vốn vay, cũng như có cơ chế linh động các nguồn vốn để xây dựng nhà ở công nhân.
Còn theo ông Vũ Minh Tiến, trong khi chờ đợi các mô hình hay, trước mắt cần đầu tư cải tạo môi trường, hạ tầng sinh sống của người lao động đang thuê nhà tại các khu trọ. Cùng với đó, nhà nước, các tổ chức có thể tính toán mức hỗ trợ cho công nhân về chi phí, hỗ trợ các chủ đầu tư để làm sao phải dành 90% diện tích là cho thuê nhà ở xã hội.
Đặc biệt, địa điểm xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với đặc điểm, lối sống của công nhân, và gần khu công nghiệp, bởi rất ít công nhân di cư sẽ cư trú ở một địa bàn để đầu tư mua nhà, vì vậy nhu cầu thuê chỗ ở sẽ cao hơn. Song vấn đề cuối cùng và cũng là căn cơ hơn cả theo ông Tiến chính là thu nhập.
“Gốc của vấn đề là lương thấp không đủ sống, khiến người lao động phải tiết kiệm đủ thứ, trong khi chi phí quá lớn. Một tháng lương có 5 - 6 triệu, tăng ca thêm 2, 3 tiếng nữa hai vợ chồng công nhân cũng chỉ thu nhập tầm 13 triệu thì có ai dám thuê nhà 3 triệu không?", ông Tiến đặt vấn đề.
Như vậy, theo ông Tiến, giải bài toán này thực chất là dùng kinh tế để giải quyết vấn đề xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, người yếu thế là cực kỳ khó khăn, khác với nhà ở cho người có thu nhập cao, hay làm ở nhà ở thương mại.