Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có chỉ đạo về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa nói chung và hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo nói riêng.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi có có báo cáo của Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về vụ nạn giao thông đường thủy nội địa ngày 26/2/2022 trên tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, Hội An, tỉnh Quảng Nam làm 17 người tử vong.
RÀ SOÁT CÁC LỄ HỘI LIÊN QUAN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ
Cụ thể, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, ban tổ chức lễ hội Xuân tăng cường kiểm tra hoạt động tại các bến khách ngang sông, bến hành khách, đặc biệt là các bến tàu, phương tiện thủy phục vụ du lịch, lễ hội.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu rà soát toàn bộ các lễ hội liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy, lập và triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực diễn ra lễ hội có liên quan đến hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
"Tổ chức khoa học hoạt động đưa đón khách từ khâu bán vé, sắp xếp hành khách lên phương tiện, không để xảy ra tình trạng các phương tiện tự chèo kéo khách, hành khách chen, lấn xô đẩy khi lên, xuống phương tiện", Phó Thủ tướng lưu ý.
Hành khách bắt buộc phải sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay trong suốt quá trình tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Cũng tại văn bản này, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến bảo đảm an toàn về kết cấu hạ tầng, phương tiện, thuyền viên và tổ chức vận tải đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách bằng phương tiện sông, biển trên các tuyến từ bờ ra đảo.
BỔ SUNG QUY ĐỊNH PHẢI QUAN TRẮC THUỶ VĂN
Trước đó, vào ngày 26/2, tại tuyến đường thủy từ Cù Lao Chàm - Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đối với ca nô mang biển kiểm soát QNa1152 của Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Du lịch Phương Đông chở khách tham quan du lịch xã đảo Cù Lao Chàm, trên ca nô có 39 người.
Nhiều thông tin cho rằng, mặc dù có cảnh báo thời tiết nguy hiểm, cơ quan chức năng sở tại vẫn cố tình cho tàu Phương Đông 05 chở khách hoạt động nên, nên xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm 17 người chết ở Cửa Đại, Quảng Nam.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định các cảng, bến phục vụ tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo phải quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn và hệ thống dự báo khí tượng thủy văn từ trung ương đến địa phương tăng tần suất bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển.
Đồng thời, tăng cường dự báo và cảnh báo chuyên đề phục vụ hoạt động giao thông vận tải tại các địa phương có hoạt động vận tải hành khách từ bờ ra đảo và hướng dẫn việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên phạm vi cả nước.
Đối với các địa phương có tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn trên địa bàn kịp thời cung cấp thông tin dự báo thời tiết, cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện vận tải, tàu cá, phương tiện dân sinh hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là các phương tiện vận tải hành khách.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, thanh tra giao thông vận tải tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Cùng với đó cần công bố số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải, cảnh sát đường thủy tại các cảng, bến và trên các phương tiện thủy vận tải khách du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.