December 21, 2023 | 18:45 GMT+7

Luỹ kế đến nửa đầu tháng 12/2023: Xe ô tô nhập khẩu giảm mạnh so với năm 2022

Nam Nguyễn

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, cộng dồn từ đầu năm đến nửa đầu tháng 12, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tiếp tục ở mức thấp.

Luỹ kế đến nửa đầu tháng 12/2023: Xe ô tô nhập khẩu giảm mạnh so với năm 2022 - Ảnh 1

Doanh số xe nhập khẩu về Việt Nam 2023 dự kiến sẽ không vượt qua được năm 2022.

Cụ thể, nửa đầu tháng 12 (1-15/12) cả nước nhập khẩu 3.416 ô tô nguyên chiếc, kim ngạch đạt 86,786 triệu USD. Dòng xe nhập khẩu chủ yếu trong kỳ này là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 2.954 xe, kim ngạch 55,25 triệu USD.

Cộng dồn từ đầu năm đến 15/12, cả nước nhập khẩu 114.708 ô tô nguyên chiếc các loại, kim ngạch đạt 2,74 tỷ USD. Kết quả này giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 khi lượng xe giảm tới hơn 48.000 xe, kim ngạch giảm gần 900 triệu USD.

Trong khi đó, vào cùng thời điểm như hiện tại, năm 2022, đã có gần 12.000 ô tô nguyên chiếc được đưa về Việt Nam, đạt kim ngạch hơn 219 triệu USD, Mỗi chiếc xe nhập khẩu về trong 2 tuần vừa qua của tháng 12 đạt giá trị trung bình hơn 18.600 USD/xe, nâng tổng số lượng xe nhập khẩu năm 2022 đạt 163.333 chiếc, vượt qua con số của năm 2021. Trong đó, ô tô dưới 10 chỗ đạt số lượng lớn nhất với 10.091 chiếc, chiếm 85,7% tổng xe nguyên chiếc được nhập khẩu về Việt Nam; và giảm 30,3% so với nửa đầu tháng 11/2022, đồng thời đạt giá trị gần 175 triệu USD, giảm 34,2%. 

Trong nửa đầu tháng 12, lượng ô tô từ 10 chỗ trở lên được nhập khẩu với 153 chiếc, đạt giá trị hơn 3,6 triệu USD. Cuối cùng, ô tô vận tải được nhập khẩu với số lượng 1.109 chiếc với tổng giá trị hơn 21 triệu USD.

Về thị trường (cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 11), Thái Lan dẫn đầu với 50.144 xe, kim ngạch đạt 1,074 tỷ USD. Tính bình quân mỗi ô tô nhập khẩu từ quốc gia này hơn 21.000 USD/xe (chưa thuế).

Indonesia đứng thứ hai với 40.474 xe, kim ngạch 574,38 triệu USD. Như vậy, tính trị giá bình quân ô tô nhập khẩu từ Indonesia gần 14.200 USD/xe (chưa thuế).

Thị trường Trung Quốc đứng thứ ba với 9.843 xe, kim ngạch 360,27 triệu USD. Trị giá bình quân mỗi ô tô nhập từ Trung Quốc khoảng 36.600 USD/xe (chưa thuế).

Sở dĩ trị giá bình quân ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc cao hơn so với 2 thị trường lớn ở Đông Nam Á do dòng xe nhập khẩu chủ yếu là ô tải và ô tô chuyên dụng, trong khi xe nhập từ Thái Lan và Indonesia là xe từ 9 chỗ trở xuống và ở phân khúc phổ thông.

Với 100.461 xe, riêng 3 thị trường lớn kể trên chiếm tới trên 90% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước trong cùng thời điểm.

Trước đó, năm 2022 theo Tổng cục Hải quan là năm có lượng ôbtô nhập khẩu nhiều nhất từ trước đến nay với 173.467 chiếc, vượt khá xa kết quả của năm có kỷ lục trước đó là năm 2021 đạt gần 160.000 xe. Tháng 12/2022, cả nước nhập khẩu 21.895 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 431,55 triệu USD. Đây là tháng có lượng xe nhập khẩu nhiều thứ hai trong năm 2022 (tháng nhiều nhất là tháng 11/2022 với gần 23.000 xe).

Cả năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 173.467 ô tô các loại, tổng kim ngạch 3,84 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021.

Indonesia và Thái Lan là hai thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất; trong đó Indonesia đã vượt Thái Lan về lượng xe nhập khẩu, tuy nhiên Xứ sở Chùa vàng vẫn đứng số 1 về kim ngạch.

Cụ thể, năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia 72.671 xe, kim ngạch hơn 1,05 tỷ USD; trong khi kết quả của Thái Lan là 72.032 xe, kim ngạch 1,43 tỷ USD.

Vị trí thứ 3 cũng đến từ một quốc gia châu Á là Trung Quốc với 17.340 xe, kim ngạch 714,5 triệu USD.

Với 162.043 xe, riêng ba thị trường nêu trên chiếm đến 93,4% lượng xe nhập khẩu của cả nước, thậm chí vượt tổng lượng xe nhập về của cả năm 2021.

Bước sang năm 2023, rất nhiều người đã kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn với thị trường ô tô Việt, nhưng với những thống kê ở thời điểm hiện tại, có lẽ năm 2023 sẽ rất khó vượt qua được con số của năm 2022 đã đạt được.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate