Chia sẻ về công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại buổi họp báo thông tin về kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống Kho bạc Nhà nước, ông Lê Văn Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết bám sát tinh thần cải cách thủ tục hành chính, hệ thống Kho bạc Nhà nước chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao.
NHIỀU KHOẢN CHI ĐẦU TƯ SAI QUY ĐỊNH
Theo ông Lê Văn Khoa, với chi đầu tư, tính đến ngày 20/12, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước là 403.160,6 tỷ đồng, bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 593.708 tỷ đồng); đồng thời, bằng 60,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn 2022 Thủ tướng Chính phủ, uỷ ban nhân dân tỉnh giao, kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 661.477,8 tỷ đồng).
"Thông qua công tác kiểm soát chi đầu tư, hệ thống Kho bạc Nhà nước phát hiện 90.032 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 934 món, tương đương 60,1 tỷ đồng", ông Khoa thông tin.
Chia sẻ cụ thể hơn về công tác kiểm soát chi đầu tư, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước, cho biết thời gian qua Kho bạc Nhà nước không ngừng thực hiện cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện cho các đơn vị Kho bạc Nhà nước, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước cũng xây dựng các đề án thanh toán tự động và cũng dự kiến kết nối dữ liệu với Bộ Kế hoạch & Đầu tư liên quan đến hệ thống đấu thầu, ký hợp đồng điện tử để thực hiện kiểm soát hợp đồng điện tử; liên kết với dữ liệu của các đơn vị sử dụng ngân sách…
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát, Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều trường hợp chi đầu tư không đúng quy định của hợp đồng.
"Đây đều là những khoản thực hiện sai quy định về hồ sơ, tạm ứng, sử dụng nguồn vốn sai mục đích”, ông Hà cho biết. Chẳng hạn, nhiều đơn vị dùng vốn giải phóng mặt bằng để thanh toán vốn xây lắp, không đúng trong quyết định đầu tư...
Thông tin thêm về dự kiến giải ngân vốn đầu tư công năm nay, theo Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, dưới nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đến ngày 31/12/2022 dự kiến đạt khoảng 76% kế hoạch và so với năm 2021, tăng khoảng 5.000 tỷ đồng về giá trị và kỳ vọng hết tháng 1, giải ngân sẽ đạt 85-86% kế hoạch.
TỪ CHỐI THANH TOÁN TRÊN 450 TỶ ĐỒNG CHI THƯỜNG XUYÊN
Đối với chi thường xuyên, Kho bạc Nhà nước cũng tăng cường kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời các khoản chi, đặc biệt ưu tiên kiểm soát thanh toán kinh phí phòng, chống dịch, kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hướng của dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật.
"Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước, hệ thống Kho bạc Nhà nước phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng", Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết.
Đồng thời, cung cấp số liệu giải ngân hàng ngày cho Bộ Tài chính, lãnh đạo uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phục vụ công tác quản lý điều hành ngân sách nhà nước.
Theo đó, tính đến hết ngày 20/12, hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát đạt 895.195 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng.
Đối với dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước đã bao gồm cải cách tiền lương và tinh giảm biên chế và dự toán từ năm trước chuyển sang là: 1.112.194 tỷ đồng.
Phân tích rõ lý do từ chối thanh toán các khoản chi thường xuyên, ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, cho biết đối với chi thường xuyên đã cải cách thủ tục hành chính theo hướng giao tính tự chủ cho các đơn vị.
Theo đó, với đơn vị sự nghiệp công lập, phần kinh phí tự chủ, đơn vị chi tiêu theo quy chế nội bộ; đối với chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn, thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, với những đơn vị không tự chủ nhưng chi như kinh phí như tự chủ, Kho bạc Nhà nước sẽ từ chối thành toán, hay các khoản tiêu chuẩn, định mức Nhà nước quy định như đi công tác nước ngoài, mua sắm ô tô, khi các đơn vị chi vượt thì kho bạc cũng từ chối…