June 29, 2024 | 23:53 GMT+7

Lý giải lương cơ sở tăng 30% mà lương hưu chỉ tăng 15%

Đỗ Phong -

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đã thông tin và giải thích, phân tích, làm rõ việc việc tại sao tăng lương cơ sở 30%, còn lương hưu chỉ tăng 15%...

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trả lời báo chí tại buổi họp báo.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trả lời báo chí tại buổi họp báo.

Ngày 29/6, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

RÀ SOÁT TỔNG THỂ CÁC BẢNG LƯƠNG Ở TỪNG LĨNH VỰC

Tại họp báo, giải đáp các câu hỏi của báo chí liên quan đến câu chuyện vì sao điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% mà chỉ điều chỉnh tăng 15% đối với mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết lương hưu được điều chỉnh dựa trên việc tăng chỉ số CPI nhiều năm qua.

CPI tăng nhiều lần cùng với mức lương của người hưởng lương hưu. Số đó nếu cộng lại chỉ tăng 11,5%, tức đã ngang bằng với mức tăng 30% đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Nhưng do người hưởng lương hưu đời sống còn khó khăn nên Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc chuyển lên tăng 15%. Chính vì thế, nếu cộng dồn các chỉ số CPI, mức lương hưu thực tế sẽ tăng hơn 30%.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, điều này cho thấy tính nhân văn trong chính sách, khi ưu tiên cho người hưởng lương hưu, đặc biệt người về hưu mà đời sống còn khó khăn.

Về cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, ông Phong cho biết đã làm rất toàn diện nhưng đã 3 lần lùi và chưa hoàn thành các nhiệm vụ đưa ra. Về lộ trình, Nghị quyết kỳ họp đã nêu rõ: Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả.

Liên quan đến lý do vì sao lộ trình cải cách tiền lương kéo dài? ông Phong thông tin Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hàng chục cuộc, 4 nội dung thực hiện được còn 2 nội dung chưa thực hiện được cũng có lý do. Đối với bảng lương mới ở cơ sở, chúng ta xác định vị trí việc làm và minh chứng từng vị trí việc làm để trên cơ sở đó xác định, tinh giản biên chế như thế nào, mức lương từ vị trí thế nào cho thích hợp.

Quá trình thực hiện là cả một quá trình cải cách dài, việc xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ. Hiện nay, còn tích hợp ở các bộ, ngành, từng địa phương với nhau và chưa có sự thống nhất tương đối với nhau giữa các bộ, ngành, địa phương mặc dù chung một lĩnh vực.

“Nếu không giải quyết được bài toán vị trí việc làm ở các đơn vị sự nghiệp công lập và những cơ chế để giải quyết cũng không biết tính nguồn lực thế nào để xử lý đối với vấn đề này”, ông Phong nói.

Chính vì vậy, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã nhất trí trình phương án “chậm dần” để Chính phủ có thêm thời gian rà soát, tính toán thật kỹ, dưới công thức xác định vị trí việc làm dựa trên tinh giản biên chế, từ đó có cơ sở để tính hệ số lương, mức lương… cho hợp lý.

Thời gian tới, Chính phủ cần rà soát tổng thể xem tất cả các bảng lương ở từng lĩnh vực liên quan để có sự thống nhất quản lý Nhà nước về tiền lương. Trên cơ sở đó, tính toán nguồn lực và các giải pháp thực thi mang lại hiệu quả.

SỬA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN CẦN TUÂN THEO TRÌNH TỰ, THỦ  TỤC

Liên quan đến việc sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết trong Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đưa ra nhiệm vụ yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các luật về thuế.

Tại phiên họp của Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội vừa qua, phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc có nêu vấn đề việc xem xét sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân liên quan tới xác định mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh.

Dư luận xã hội cũng như ý kiến của đại biểu Quốc hội thấy đây là vấn đề cần triển khai thực hiện ngay. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, để một dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải tuân thủ các yêu cầu trình tự thủ tục, đảm bảo tính thận trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy giải đáp câu hỏi của báo chí về việc sửa Luật thuế thu nhập cá nhân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy giải đáp câu hỏi của báo chí về việc sửa Luật thuế thu nhập cá nhân.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một đề nghị xây dựng luật để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội cần phải được Chính phủ thảo luận, có Nghị quyết, xác định các chính sách cơ bản, tổng kết đánh giá kỹ lưỡng, đánh giá tác động và các điều kiện đảm bảo tính khả thi.

Do đó, bà Thủy cho biết khi nào Bộ Tài chính- cơ quan trực tiếp phụ trách lĩnh vực này chuẩn bị và tham mưu Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để đề nghị đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội bổ sung việc sửa đổi luật này vào kỳ họp gần nhất có thể.

“Vấn đề này tuy là yêu cầu cấp thiết nhưng phải tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh.

1 LUẬT SỬA 4 LUẬT

Liên quan đến việc “1 Luật sửa 4 Luật” nhằm đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực và triển khai theo mốc thời gian sớm hơn từ 1/8/2024, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn để sớm đưa các chính sách, luật pháp vào cuộc sống.

Theo ông Hiếu, điều này thể hiện nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc sớm đưa các luật, các chính sách vào cuộc sống, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong quá trình thảo luận dự luật này chỉ có một băn khoăn của một số đại biểu Quốc hội là việc nếu đẩy sớm hiệu lực của Luật thì có đảm bảo tính khả thi, tức là có đảm bảo việc ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, để đảm bảo luật có hiệu lực đúng vào thời điểm có hiệu lực sớm.

"Điều này chúng ta đã thảo luận rất nhiều. Chính phủ cũng đã có báo cáo chi tiết về tiến độ và thể hiện những cam kết, cũng như quyết tâm bằng những giải pháp cụ thể. Hiện nay Chính phủ đã và đang hành động rất quyết liệt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan hoàn thiện các dự thảo Nghị định cấp Trung ương và văn bản ở địa phương, để đảm bảo Luật được ban hành và có hiệu lực theo thời điểm mới từ ngày 1/8/ 2024.

Về phía Quốc hội, để đảm bảo nhiệm vụ này được hoàn thành, trong Nghị quyết của kỳ họp Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến việc cần phải đảm bảo ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, để không xảy ra hiện tượng gọi là không có hoặc chậm ban hành văn bản, vốn dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng không được thực thi trên thực tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate