June 24, 2024 | 12:05 GMT+7

Các nhóm đối tượng sẽ được tăng lương hưu, trợ cấp từ ngày 1/7

Thu Hằng -

Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hằng tháng sẽ được tăng mức hưởng thêm 15% từ ngày 1/7 tới. Đối với những người đang hưởng lương hưu ở mức thấp, sẽ được điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa trình Chính phủ đề xuất ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Mức tăng dự kiến là 15%, áp dụng từ ngày 1/7 tới.

Căn cứ của việc điều chỉnh này là Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, quy định từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Lương cơ sở dự kiến sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 30%. Do đó, việc tăng lương hưu nhằm giảm tác động của việc điều chỉnh tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng thêm 15%.

Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, và trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% theo mức điều chỉnh chung, mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm như sau:

Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống.

Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng, đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng.

Như vậy, đợt này sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối (nhóm này sẽ do ngân sách nhà nước chi trả).

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến, với các đề xuất điều chỉnh trên, kinh phí tăng thêm từ ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp là khoảng hơn 3.700 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội cần hơn 12.500 tỷ đồng để thực hiện trong 6 tháng cuối năm nay. Tổng kinh phí dự kiến để chi trả trong nửa cuối năm nay là hơn 16.200 tỷ đồng.

Về đối tượng được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7 tới, các cơ quan đang đề xuất là nhóm người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, và trợ cấp hằng tháng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng tính đến thời điểm tháng 6/2024.

Đối tượng này về cơ bản kế thừa quy định của Nghị định số 42/2023/NĐ-CP về điều điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: Thu Hiền.
Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: Thu Hiền.

Theo Nghị định số 42/2023, các đối tượng này bao gồm:

Một là, cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An sang bảo hiểm xã hội tự nguyện); quân nhân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng.

Hai là, cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại các Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Ba là, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, Quyết định số 613/QĐ-TTg về việc trợ cấp hằng tháng cho những người có từ đủ 15 năm, đến dưới 20 năm công tác thực tế, đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 206-CP của Hội đồng Chính phủ về chính sách đối với công nhân mới giải phóng, làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe, nay già yếu phải thôi việc.

Bốn là, cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 130-CP của Hội đồng Chính phủ, bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã và Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

Năm là, quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Sáu là, Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ, có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương.

Bảy là, quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Tám là, người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Chín là, người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trước ngày 1/1/1995.

Trước đó, lần gần nhất Chính phủ thực hiện tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng là từ ngày 1/7/2023, với mức điều chỉnh chung là 12,5%.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate