Số liệu do Bộ Công Thương Singapore công bố ngày 3/1 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 của nước này tăng 2,6% so với quý 3, vượt mức dự báo tăng 2,1% mà giới chuyên gia đưa ra trước đó trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg.
Việc nền kinh tế tăng tốc vào cuối năm giúp đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của Singapore lên 7,2%, mạnh nhất kể từ năm 2010, đảo ngược cú sụt giảm 5,4% trong năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19. Giới chuyên gia dự báo GDP của đảo quốc sư tử tăng 7,1%.
“Nền kinh tế Singapore đang trên đà bình thường hoá trở lại sau một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ”, bà Selena Ling, trưởng bộ phận chiến lược của Oversea-Chinese Banking Corp., nhận định.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy kinh tế Singapore đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tốc độ lây lan chóng mặt của biến chủng Omicron và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Singapore – giờ đang phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế có mức độ phục thuộc cao vào thương mại toàn cầu này.
Mặc dù vậy, vẫn có một số chuyên gia bày tỏ quan điểm lạc quan. “Điều quan trọng rút ra từ báo cáo GDP của Singapore là các hoạt động kinh tế vẫn có thể tăng tốc trong làn sóng Covid-19 lớn nhất của nước này. Đó là một tín hiệu tích cực cho triển vọng tăng trưởng của năm 2022”, chuyên gia Tamara Mast Henderson của Bloomberg nhận xét.
Chính phủ Singapore thể hiện rõ quyết tâm giữ vững chiến lược dần mở cửa trở lại, mặc biến chủng Omicron đang lây nhanh ở châu Á. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2022 vào hôm thứ Sáu, Thủ tướng Lý Hiển Long nói Singapore có thể “tương đối tự tin” trong việc ứng phó với ảnh hưởng của Omicron.
Ông Lý Hiển Long cũng cho biết nền kinh tế nước nhà có thể đạt mức tăng trưởng 3-5% trong năm nay.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Singapore tăng 5,9% trong quý 4 – theo dữ liệu công bố ngày 3/1, cao hơn mức dự báo tăng 5,1% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra.
Ngành sản xuất tăng 12,8% cả năm, so với mức tăng 7,3% đạt được trong năm 2020. Hoạt động xây dựng tăng 18,7%, so với mức sụt giảm 35,9% trong năm trước. Ngành dịch vụ tăng 5,2%, so với mức giảm 6,9% trong 2020.