January 29, 2021 | 11:05 GMT+7

Make in Vietnam: Sự điều chỉnh chiến lược kịp thời để bứt phá

Phan Anh

"Make in Vietnam" là một sự điều chỉnh chiến lược quan trọng, kịp thời và đúng đắn cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực khẳng định: Việt Nam có những cơ sở nền tảng, lợi thế nhất định để triển khai thành công chiến lược này.

Tinh thần "Make in Vietnam" và vấn đề chuyển đổi số được nhấn mạnh thời gian qua là một trong những chiến lược, định hướng quan trọng để Việt Nam phát triển bứt phá. Được coi là người tiên phong mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam và có đóng góp lớn trong định hướng hiện đại hóa mạng lưới viễn thông, ông nhìn nhận thế nào về tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước từ tinh thần "Make in Vietnam"?

Tôi cho rằng khẩu hiệu "Make in Vietnam" là một sự điều chỉnh chiến lược quan trọng cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam. Từ khi đất nước đổi mới, một số ngành công nghiệp mới được đưa vào Việt Nam nhưng chủ yếu ở dạng lắp ráp, gia công chứ chưa phải thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam. Tất nhiên điều này cũng rất tốt khi các hãng lớn thiết kế sáng tạo sản phẩm ở nước ngoài và vào Việt Nam lắp ráp, gia công đã tạo ra nhiều lợi ích, giải quyết công ăn việc làm, đóng thuế và góp phần đào tạo cán bộ nhân lực, nhất là thời kỳ đầu đất nước còn khó khăn.

Tuy nhiên, nếu chỉ gia công, lắp ráp, không có thiết kế sáng tạo các sản phẩm của Việt Nam thì giá trị gia tăng rất thấp, không thể trở thành một cường quốc công nghệ, phát triển bứt phá. Mặc dù gia công lắp ráp vẫn có thể tiếp tục nhưng kỳ này là một sự điều chỉnh chiến lược, ưu tiên, thúc đẩy, khuyến khích "Make in Vietnam" tức là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam để tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt, cạnh tranh ngay trong nước và có khả năng đi ra nước ngoài.

Khi chúng ta thiết kế, sáng tạo ở trong nước sẽ phát huy được năng lực sáng tạo của người Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu và giá trị gia tăng sẽ tăng hơn rất nhiều. Từ đó sẽ hình thành nên nhiều doanh nghiệp số Việt Nam. Trong 1 năm qua số lượng doanh nghiệp công nghệ đã tăng thêm 13.000. Dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ. Nếu nỗ lực và có những điều kiện thuận lợi thì Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này sớm hơn. Khi các DN công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh, thì không những Việt Nam sản xuất được các thiết bị dân sự phục vụ đời sống người dân trong và ngoài nước mà còn có thể kết hợp sản xuất các thiết bị quốc phòng, bảo vệ không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước mạnh, phát triển thì phải làm chủ công nghệ để nâng cao đời sống người dân và bảo vệ hòa bình.

Theo ông, Việt Nam có những điều kiện, tiềm lực, thế mạnh gì để có thể tận dụng được thời cơ này, để có thể thúc đẩy Make in Vietnam?

Tôi cho rằng Việt Nam có những cơ sở, lợi thế nhất định. Trước hết, ở những thập kỷ cuối của cách mạng công nghiệp lần 3, Việt Nam đã có một số ngành bứt phá trong đó có viễn thông, Internet và công nghệ thông tin. Việt Nam đã có sẵn nền tảng hạ tầng tốt với số lượng người sử dụng Internet, smartphone khá đông để tiếp tục phát triển một hạ tầng số.

Thứ hai, khi bắt đầu cuộc cách mạng lần thứ 4, Việt Nam đã đồng hành cùng các nước, cùng điểm xuất phát về mặt nhận thức. Ngay sau khi GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos đưa ra khái niệm về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) thì tại Diễn đàn ICT Summit 2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có tuyên bố về chủ trương tiếp cận cuộc cách mạng này để Việt Nam bứt phá. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Chính phủ có Chỉ thị về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; Chiến lược về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Một số doanh nghiệp Việt Nam đã đón đầu cơ hội dịch chuyển này để thiết kế sáng tạo các sản phẩm của Việt Nam. Không chỉ các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Vingroup... mà cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có những bước tiếp cận, thực thi sáng tạo để tạo ra các sản phẩm theo tinh thần Make in Việt Nam.

Thứ ba, người Việt Nam có trí tuệ và thông minh, nhanh nhẹn không thua kém các dân tộc khác. Đó là một sức mạnh. Đặc biệt với số dân 100 triệu người là một lợi thế về nguồn nhân lực và là một thị trường rất lớn để các sản phẩm Make in Vietnam phát triển, đáp ứng nhu cầu trong nước, trưởng thành để đi ra cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ở một số lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam hiện còn khoảng cách so với các nước tiên tiến. Vậy với nền công nghiệp trí tuệ, công nghệ số "Make in Vietnam", Việt Nam có cơ hội theo kịp các nước, cạnh tranh, phát triển ở trong nước cũng như vươn ra toàn cầu trong bối cảnh hiện nay không, thưa ông?

Tôi cho rằng ở các ngành công nghiệp truyền thống, công nghiệp nặng, cơ khí... Việt Nam còn thua các nước công nghiệp tiên tiến. Nếu tiếp cận đi vào công nghiệp nặng, sản xuất máy móc hay thậm chí công nghệ nguồn, thì Việt Nam khó có thể theo kịp các nước tiên tiến. Tuy nhiên, trong lĩnh vực công nghệ số, giải pháp công nghệ "Make in Vietnam", với những lợi thế như trên, tôi cho rằng Việt Nam đang cùng trên một dòng chảy, cùng điểm xuất phát trong một cuộc đua và có nhiều cơ hội thành công. Những công nghệ mới của cuộc cách mạng số là rất rộng và đầy tiềm năng để mang đến thành công nhanh. Thực tế hiện nay trên thế giới có nhiều DN công nghệ số mới khởi sự nhưng đã phát triển rất mạnh mẽ.

Đây là thời cơ và cơ hội. Điều quan trọng là chúng ta có nhận biết, có ý chí khát vọng, có môi trường để thực hiện khát vọng này.

Theo ông, để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần "Make in Vietnam", Việt Nam cần những yếu tố, giải pháp gì đột phá?

Chuyển đổi số, CMCN 4.0 hay "Make in Vietnam" không chỉ mang đến thời cơ mà cả những thách thức bởi tốc độ phát triển của thế giới công nghệ rất nhanh. "Make in Vietnam", phát triển công nghiệp số, chuyển đổi số Việt Nam chủ yếu dựa trên 3 trụ cột: công nghệ, con người và thể chế. Cuộc CMCN 4.0 dựa trên công nghệ mà chủ yếu là công nghệ số. Vậy Việt Nam chọn công nghệ gì để tập trung nguồn lực? Rõ ràng Việt Nam phải ứng dụng các công nghệ số chủ yếu của thế giới như: IoT, AI, điện toán đám mây, Big Data, nhưng tôi cho rằng cần tập trung ưu tiên cho công nghệ AI. Bên cạnh đó việc lựa chọn nền tảng công nghệ mở sẽ khai thác lợi thế "đứng trên vai người khổng lồ" và có thể tạo ra nguồn dữ liệu mở, tạo cơ hội cho các cá nhân, DN sáng tạo. Ngoài ra, để đẩy nhanh chuyển đổi số có rất nhiều việc phải làm và Việt Nam chủ trương trong giai đoạn hiện nay ưu tiên tạo ra các nền tảng ứng dụng, các nền tảng công nghệ số. Tôi cho rằng, Việt Nam đang có cách tiếp cận và đi khá nhanh về công nghệ, nhất là trong các DN để tạo sức cạnh tranh và trở thành yếu tố sống còn phát triển.

Về vấn đề thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, cơ chế quản trị... cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi cần thiết để phù hợp với thời đại chuyển đổi số, sự dịch chuyển từ môi trường vật lý lên môi trường mạng, với môi trường sống, học tập và làm việc trên không gian mạng. Cùng với đó, phải có những chính sách mới để phù hợp với những yếu tố mới nảy sinh. Ngay các doanh nghiệp cũng cần thay đổi quy trình sản xuất , cơ cấu hoạt động để phù hợp với bối cảnh mới.

Với sự phát triển của công nghệ số, sự chuyển động mạnh của chuyển đổi số, tôi cho rằng thời gian tới sẽ đòi hỏi cần sự chuyển động nhanh hơn và thay đổi nhiều điểm trong hệ thống quy phạm pháp luật của Việt Nam. Ví dụ như luật quy định về vấn đề chia sẻ, sử dụng, bảo vệ dữ liệu.

Với thị trường lớn, nguồn nhân lực dồi dào và có những ưu thế như hiện nay, nếu được tổ chức và đào tạo tốt sẽ là một sức mạnh của Việt Nam. Sức mạnh của những quốc gia hùng cường bao giờ cũng bao hàm cả sức mạnh nhất định về địa lý và dân số.

Theo dõi sự chuyển động hiện nay trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tôi có một niềm tin rằng, nếu Việt Nam có quyết sách mạnh mẽ, tạo môi trường thuận lợi thì cuộc đổi mới lần thứ 2 của ngành viễn thông-công nghệ thông tin, công nghệ số Việt Nam sẽ thành công.

Là người đã tham gia hội đồng nhiều giải thưởng công nghệ thông tin và là Chủ tịch Hội đồng giám khảo giải thưởng "Make in Vietnam", ông nhận thấy sự khác biệt lớn nhất trong sứ mệnh của các giải pháp công nghệ "Make in Vietnam" với các giải pháp công nghệ khác của Việt Nam là gì?

Tất cả các giải thưởng công nghệ thông tin hiện nay đều mang lại những hiệu quả tốt, thúc đẩy sự phát triển công nghệ thông tin Việt Nam. Tuy nhiên, giải thưởng "Make in Vietnam" là giải thưởng của Nhà nước và có những điểm khác biệt cơ bản. Theo đó, các danh mục giải thưởng khuyến khích và tập trung phục vụ trực tiếp cho mục tiêu, một số chủ trương, chính sách lớn của Việt Nam như thực hiện thành công chiến lược chuyển đổi số, CMCN 4.0, bảo đảm an ninh mạng... Nếu thiếu các lĩnh vực đó thì Việt Nam khó thành công trong cuộc CMCN 4.0.

Các giải thưởng khác, sản phẩm công nghệ có thể được thiết kế ở nước ngoài và gia công sản xuất ở Việt Nam, nhưng với "Make in Vietnam" thì phải được nghiên cứu, thiết kế sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate