July 10, 2024 | 14:40 GMT+7

Malaysia và Indonesia dẫn đầu cuộc đua trung tâm dữ liệu ASEAN

Nguyễn Hà

Singapore hiện đang dẫn đầu về công suất trung tâm dữ liệu trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, do những hạn chế về đất đai và năng lượng, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu đang tìm kiếm các địa điểm thay thế tại các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines...

Malaysia và Indonesia dẫn đầu cuộc đua trung tâm dữ liệu ASEAN
Malaysia và Indonesia dẫn đầu cuộc đua trung tâm dữ liệu ASEAN

Theo DC Byte, tập đoàn phân tích nghiên cứu hàng đầu trên toàn cầu, công suất trung tâm dữ liệu ở ASEAN có thể tăng hơn 4 lần từ 1.677 megawatt (MW)  trong quý I/2024 lên 7.589MW vào năm 2028. 

Xu hướng tăng trưởng này được thúc đẩy bởi sự phổ biến ngày càng tăng của các thiết bị kết nối Internet dẫn đến lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra và sử dụng trong khu vực. Ngoài ra, nhu cầu tính toán cho việc đào tạo AI đang gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi thêm cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu. 

Báo cáo của DC Byte chỉ ra rằng Malaysia và Indonesia là những quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc thúc đẩy đầu tư vào trung tâm dữ liệu. Lý do là vì hai quốc gia này sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, trở thành những cửa ngõ lý tưởng cho kết nối quốc tế.

Theo báo cáo “Chiến lược ASEAN: Con đường phía trước cho các trung tâm dữ liệu” của DC Byte, Singapore hiện đang dẫn đầu về công suất trung tâm dữ liệu trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, do những hạn chế về đất đai và năng lượng, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu đang tìm kiếm các địa điểm thay thế tại các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Dựa trên các dự đoán của DC Byte, công suất trung tâm dữ liệu ở Malaysia, Thái Lan và Indonesia dự kiến ​​sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ 32% đến 56% trong giai đoạn 2023 đến 2028, vượt xa dự báo CAGR 8% của Singapore. 

Các nhà phân tích cho biết thêm: “Các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Google và Microsoft không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh, đòi hỏi nguồn lực máy tính khổng lồ để đáp ứng nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu, đặc biệt là trong lĩnh vực AI”.

MALAYSIA LÀ QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NHANH NHẤT TRONG LĨNH VỰC TRUNG TÂM DỮ LIỆU TẠI ASEAN

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Malaysia là quốc gia phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu tại khu vực ASEAN, nhờ một số lợi thế chiến lược, như cơ sở hạ tầng vượt trội, vị trí và các chính sách thuận lợi của chính phủ. 

Báo cáo lưu ý: “Kể từ năm 2019, thị trường trung tâm dữ liệu tại Malaysia đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nhờ sở hữu hạ tầng kết nối tốt, nguồn điện đáng tin cậy và môi trường chính trị ổn định, Malaysia được đánh giá là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung tâm dữ liệu trong khu vực, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về công suất trung tâm dữ liệu”. 

Quyết định của chính phủ Singapore tạm dừng cung cấp điện và đất cho các trung tâm dữ liệu vào năm 2019 đã tạo thêm một cú hích cho nhu cầu về năng lực trung tâm dữ liệu ở Malaysia, đặc biệt là ở bang Johor, nơi được xếp hạng là thị trường trung tâm dữ liệu lớn thứ 7 ở Châu Á. 

Theo DC Byte, chính phủ Malaysia đã hỗ trợ ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu khi Cơ quan Phát triển Công nghiệp Malaysia (MIDA) và Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) thành lập Văn phòng Đầu tư Kỹ thuật số làm trung tâm một cửa để đảm bảo các quy trình và phê duyệt nhanh hơn. 

INDONESIA – TRUNG TÂM DỮ LIỆU TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH 

Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA) ước tính đến cuối năm 2023, tổng công suất trung tâm dữ liệu tại Indonesia đạt 514MW.  Báo cáo cho biết: “Chúng tôi tin rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên 1,41 GW vào năm 2029, nhờ sự chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số của Indonesia”. 

Malaysia và Indonesia dẫn đầu cuộc đua trung tâm dữ liệu ASEAN - Ảnh 1

Indonesia – trung tâm dữ liệu tăng trưởng ổn định

Theo CGS-International, một động lực khác thúc đẩy tiềm năng trung tâm dữ liệu của Indonesia là dân số hiểu biết về công nghệ đang tăng nhanh và việc gia tăng sử dụng dữ liệu đi kèm. 

Theo chiến lược “Tạo dựng Indonesia 4.0”, nhằm mục đích chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, chính phủ Indonesia đã đưa ra một loạt các ưu đãi về thuế và phi thuế để thúc đẩy tăng trưởng trong ngành trung tâm dữ liệu. 

Những ưu đãi này bao gồm miễn thuế lên tới 10 năm và miễn thuế khấu trừ đối với cổ tức, đơn giản hóa thủ tục chuyển lợi nhuận về nước, nới lỏng các hạn chế về sở hữu nước ngoài, bao gồm cả việc cho phép các tổ chức nước ngoài sở hữu đất cho các dự án trung tâm dữ liệu. 

Mặc dù thị trường trung tâm dữ liệu Indonesia đang ở giai đoạn phát triển ban đầu với sự hiện diện của 68 công ty trung tâm dữ liệu (theo dự báo của Research and Markets), quốc gia này sở hữu 4 thành phố chính đóng vai trò chủ chốt trong việc thu hút các trung tâm dữ liệu

Các mối quan hệ đối tác và đầu tư đáng chú ý của Indonesia trong những năm gần đây bao gồm Google, AWS và Microsoft cũng như sự hợp tác với các công ty địa phương như Telkom Indonesia, Indosat Ooredoo và XL Axiata. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích của CGS-International cho rằng Indonesia cần phải giải quyết một số thách thức chính để duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng này, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, thiếu lao động có tay nghề và thảm họa thiên nhiên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate