Trong hành trình hướng tới sự bền vững, Mango đã ký kết các thỏa thuận với nhiều cơ quan và công ty trên toàn thế giới. Phải kể đến: International Accord – Hiệp định Quốc tế (được gọi là Thỏa thuận quốc tế về sức khỏe và an toàn trong ngành dệt may), Fashion Pact (một liên minh toàn cầu của các công ty trong ngành thời trang và dệt may (hàng may sẵn, thể thao, phong cách sống và hàng xa xỉ) và Hiến chương Thời trang của Liên hợp quốc về Khí hậu.
Năm 2021, Mango đã thực hiện một chiến lược quản lý nước mới nhằm giảm tiêu thụ và tăng hiệu quả của nguồn tài nguyên này. Bên cạnh đó, trong chuỗi sản xuất cả quần áo và giày dép, các biện pháp tốt nhất về quản lý hóa chất trong các quy trình ướt cũng được chú trọng. Điều này không chỉ hướng tới người tiêu dùng mà còn để bảo vệ người lao động và môi trường.
Tuy vậy, ngày nay, lĩnh vực thời trang đang đón nhận làn sóng công nghệ số mới, với mục tiêu cải thiện nhận thức về sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng. NFT sẽ trở thành xu hướng nóng nhất, trong bối cảnh ngành công nghiệp thời trang ngay từ thời điểm bắt đầu đại dịch Covid-19 đã muốn hạn chế số lượng sản phẩm và tìm ra cách chuyển sang sản phẩm ảo hoàn toàn.
Với các thương hiệu thời trang, tham gia metaverse là giải pháp cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến cho ngành công nghiệp thời trang bị trì trệ hơn 6 tháng qua cũng như vấn đề chung về tính bền vững. Ý tưởng về NFT, metaverse giúp cho ngành thời trang thu về lợi nhuận mà không cần đến bất kỳ sản phẩm vật lý nào. Với mọi thứ đang diễn ra, càng ít sản phẩm vật lý đồng nghĩa bền vững hơn.
Và Mango cũng đã có những động thái đầu tiên thể hiện sự nghiêm túc của thương hiệu này trong kế hoạch sử dụng tiền điện tử và NFT. Người phát ngôn của thương hiệu cho biết, Mango liên tục nghiên cứu các công nghệ mới nổi bởi chúng có thể hình thành trải nghiệm mua sắm trong tương lai. Từ đó, thương hiệu thời trang này quyết định dấn thân vào lĩnh vực metaverse đầy hứa hẹn thông qua liên kết nghệ thuật, đánh dấu một sự kết hợp nữa giữa ngành bán lẻ thời trang và vũ trụ ảo.
Đầu tiên, giống như nhiều thương hiệu trong Tuần lễ thời trang Metaverse Decentraland, Mango sẽ tham gia sự kiện thời trang kỹ thuật số toàn cầu này với 3 tác phẩm nghệ thuật độc đáo được tạo ra bởi nghệ sĩ kỹ thuật số người Argentina, Hungary Farka. Các tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ thời trang đường phố cao cấp của Tây Ban Nha sẽ được triển lãm trong Khu Bảo tàng của Decentraland.
Trên thị trường NFT, 3 tác phẩm nghệ thuật bao gồm Mango Metagirl, được cho là lấy cảm hứng từ các khái niệm về sự tự tin và tự do; cũng với Mango Ad Astra và Hanna in the Clouds. Ba NFT của Mango sẽ được tải lên nền tảng OpenSea nhưng chúng sẽ không được bán mà được trưng bày “nhằm mục đích đưa mô hình metaverse tương lai và tầm nhìn của chính nghệ sĩ”.
Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật, Mango cũng ra mắt lần đầu tiên 3 sản phẩm wearables (sản phẩm công nghệ đeo trên người) trong Tuần lễ Thời trang Metaverse của Decentraland. Sản phẩm đầu tiên, hợp tác với Farkas, sẽ là một phiên bản kỹ thuật số của chiếc váy Lupi. Sản phẩm NFT này sẽ không được bán, thay vào đó nó được lưu trữ và “sẽ trở thành một danh mục mang tính lịch sử của công ty”.
Tập đoàn cũng tạo nên hai mẫu áo thun NFTs (cho nam và nữ) – phiên bản đầu tiên dành cho tuần lễ thời trang. Trong 50 sản phẩm được tạo nên, có 49 chiếc sẽ tặng cho khách mời sự kiện và một chiếc được công ty lưu giữ.
Thương hiệu thời trang đến từ Tây Ban Nha cho biết tất cả những điều này “thể hiện một bước tiến xa hơn trong việc củng cố hệ sinh thái đa kênh và đối tác dựa trên mô hình kinh doanh của Mango. Nó cũng tái khẳng định cam kết của công ty đối với sự đổi mới kỹ thuật số và khám phá các kênh khách hàng mới”.
Qua đó, Mango coi phát triển bền vững là một hành trình mà ngành công nghiệp thời trang phải thực hiện để đạt được một xã hội công bằng hơn và giảm tác động đến môi trường. Công ty đã đặt chiến lược phát triển bền vững của mình thành ba khái niệm chính, phản ánh các giá trị của công ty: cam kết với hành tinh, cam kết với cộng đồng và cam kết với chuỗi giá trị.