Hiện tại, metaverse là xu hướng, được đánh giá rất nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp đã dần nhận ra điều này, một số thương hiệu đã bước đầu tham gia metaverse và nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đã dần lên kế hoạch để dấn thân vào xu thế thực tế ảo này. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu lớn như hãng thời trang Hermès hay hãng Nike, đang ra sức để tìm kiếm và loại bỏ những tác phẩm NFT có liên quan đến thương hiệu của họ.
NIKE KIỆN NỀN TẢNG MUA SẮM STOCKX
Mới đây, thương hiệu giày thể thao nổi tiếng Nike đã chính thức gia nhập cuộc chiến “NFT được cấp phép” với việc đưa nền tảng mua sắm trực tuyến StockX ra tòa vì vi phạm nhãn hiệu hoặc bán giày thể thao NFT không có giấy phép. StockX là một đại lý bán lẻ trực tuyến được ước tính trị giá 3,8 tỷ đô la, hiện những đôi giày thể thao NFT đang bị tranh chấp này vẫn còn trực tuyến.
Theo báo cáo của Reuters, Nike đã đệ đơn kiện người bán lại lên tòa án Liên bang New York, yêu cầu một khoản tiền bồi thường thiệt hại không được tiết lộ và ngừng bán những món đồ sưu tầm ảo như vậy. StockX được cho là đã bắt đầu bán NFT cho giày thể thao của Nike vào tháng 1 và hứa với người mua rằng họ có thể đổi phiên bản thế giới thực của đôi giày này trong tương lai gần.
Nike trong đơn khiếu nại dài 50 trang của mình tuyên bố StockX đã bán gần 500 đôi giày thể thao NFT với thương hiệu Nike, điều này đã làm giảm uy tín và tính hợp pháp của họ. Thương hiệu đóng giày cũng cáo buộc giày thể thao NFT đã được bán với giá quá cao với “điều khoản mua và sở hữu rất mờ ám.”
Nike tuyên bố NFT là một cách để các thương hiệu tương tác với khách hàng của họ, nhưng một số người chơi trên thị trường đang cố gắng “chiếm đoạt thiện chí của một số thương hiệu nổi tiếng nhất trên thế giới và sử dụng các thương hiệu đó mà không được phép để tiếp thị sản phẩm ảo của họ và tạo ra lợi nhuận bất chính“.
Nhà sản xuất giày chuẩn bị ra mắt bộ sưu tập NFTs của riêng mình vào cuối tháng này cùng với studio nghệ thuật RTFKT mới được mua lại gần đây. Sự phổ biến của NFT đã khiến nó trở thành công cụ tiếp thị và PR chính cho các thương hiệu và người nổi tiếng. Với bất kỳ trường hợp sử dụng phổ biến nào trong thế giới phi tập trung, các NFT đã đạt đến điểm khai thác.
Trường hợp của Nike là một vụ kiện thương mại trực tiếp, vì StockX chưa bao giờ tuyên bố NFT của họ là một hình thức nghệ thuật. Nhưng vẫn còn phải xem luật về nhãn hiệu được duy trì như thế nào trong lĩnh vực kỹ thuật số. “Mức độ của những biện pháp bảo vệ này trong thế giới kỹ thuật số cũng như những biện pháp xử lý thế nào vẫn chưa được khám phá”, luật sư Danielle Garno viết trong một báo cáo tóm tắt cho Lexology.
HERMÉS KHỞI KIỆN MỘT NGHỆ SỸ
Tháng trước, thương hiệu xa xỉ Pháp – Hermés cũng đã khởi kiện một người làm trong lĩnh vực sáng tạo Mason Rothschild qua cáo buộc “xâm phạm thương hiệu” khi bán những chiếc túi ảo mang tên gọi “Metabirkins”.
Ngoài Nike, đã có một số vụ kiện khác xung quanh NFT liên quan đến các thương hiệu lớn và người nổi tiếng. Công ty sản xuất phim Pulp Fiction Miramax cũng đã kiện đạo diễn của bộ phim Quentin Tarantino vì đã bán NFT của bộ phim, gọi đó là vi phạm bản quyền.
Hermès đã có phản ứng khá gay gắt khi đâm đơn kiện lên Tòa án Quận phía Nam, New York bằng một đơn khiếu nại dài 47 trang, cho rằng Rothschild Mason đang "chiếm đoạt thương hiệu Birkins để sử dụng trong việc tạo dựng, tiếp thị, buôn bán và tạo điều kiện cho việc trao đổi tài sản kỹ thuật số". Cụ thể, BST túi xách mang tên MetaBirkins của nam nghệ sĩ là những chiếc túi ảo nhiều màu sắc, làm từ chất liệu lông, có hình dáng tương tự Birkin trứ danh của Hermès ngoài đời thực.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Hermès phát biểu với tờ Financial Times: “Những NFT này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu của Hermès và là một ví dụ về các sản phẩm Hermès giả mạo trong metaverse”. Trong đơn khiếu nại, Hermés còn cáo buộc các hoạt động của Rothschild xung quanh những chiếc túi kỹ thuật số đã gây ra thiệt hại cho nhãn hiệu Birkin, đồng thời tuyên bố “chức danh ‘nghệ sĩ’ không có nghĩa là được quyền sử dụng một sản phẩm tương tự với nhãn hiệu Birkin đã nổi tiếng”. Trong cáo buộc cũng cho rằng cách làm của Rothschild là “được tính toán để đánh lừa người tiêu dùng”.
Trong phản hồi của mình với Hermès, được công bố trên Twitter, Rothschild đã so sánh MetaBirkins của mình với tác phẩm hộp súp Campbell của Andy Warhol. “Việc tôi bán tác phẩm nghệ thuật bằng cách sử dụng NFT không thay đổi sự thật rằng đó là tác phẩm nghệ thuật”, anh viết trong một phản hồi đăng trên Twitter.
Đứng trước những cáo buộc trên, nam nghệ sĩ phản kháng gay gắt. Anh cho biết: "Tôi không sản xuất túi xách giả. Tôi sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật... Tu chính án 1 Hiến pháp Mỹ cho tôi quyền sản xuất và bán tác phẩm nghệ thuật mô phỏng túi xách của Hermès!".
Hermès đã yêu cầu Rothschild loại bỏ và phá hủy MetaBirkins của anh ta, và ít nhất một nền tảng NFT, OpenSea, đã đồng ý xóa chúng. Nhưng Luật sư Annabelle Gauberti từ công ty Crefovi cho biết việc thực thi luật trực tuyến là rất khó. “Ngay cả khi các vụ kiện thành công, bạn sẽ làm thế nào để truy tìm người đã mua món đồ đó hoặc ngăn chúng được bán trên các cuộc đấu giá thứ cấp? Đó là điều khó nói về mặt thực thi trực tuyến”.
Trước đó, theo Vougue Business, NFT “Baby Birkin” - hình ảnh của một em bé lớn lên trong chiếc túi Hermès Birkin đã được bán trong một cuộc đấu giá Basic.Space với giá tương đương 23.500 USD. NFT này được tạo ra bởi Mason Rothschild và Eric Ramirez, giá bán của nó thấp hơn giá ước tính 9.500 đô la của chiếc 25 cm “Birkins baby” do Hermès bán. Mặc dù NFT mượn tên và phong cách Birkin, Hermès không có mối liên hệ lẫn không có doanh thu từ việc bán hàng lần này.
Năm 2014, thương hiệu lừng danh nước Pháp này cũng từng bị nhãn hàng có tên Playnomore trắng trợn đạo nhái mẫu thiết kế và bán với giá rẻ. Không chỉ vậy, Playnomore còn ngang nhiên treo slogan "Fake For Fun" (tạm dịch: Nhái cho vui). Vụ kiện kinh điển liên quan đến NFT giữa Hermès và Mason Rothschild vẫn đang được giới thời trang lẫn công nghệ đặc biệt quan tâm.