Trong bài phát biểu với giọng điệu bi quan bất thường, ông Masayoshi Son – Chủ tịch kiêm CEO của SoftBank – cho biết sẽ tiến hành “cắt giảm chi phí đáng kể” tại quỹ đầu tư Vision Fund của tập đoàn, bao gồm sa thải nhiều nhân sự và chọn lọc hơn khi thực hiện các khoản đầu tư mới.
"Không may là, số tiền đầu tư đã bị giảm đi rất nhiều", Nikkei Asia dẫn lời ông Son. “Các nguồn tài chính đang bị siết lại, trong khi có quá nhiều những người tìm kiếm nơi để đầu tư. Sẽ không còn những thánh địa nữa”.
Theo báo cáo thường niên của SoftBank, tính tới tháng 3, Vision Fund có 387 nhân viên.
Tuy nhiên, SoftBank cũng cho biết sẽ mua lại cổ phiếu của công ty với tổng giá trị lên tới 400 tỷ Yên trong năm 2023. Đây là khoản bổ sung cho chương trình mua lại cổ phiếu kéo dài tới tháng 11 năm nay trị giá 1.000 tỷ Yên. Ông Son, hiện là cổ đông lớn nhất của SoftBank, từ lâu luôn cho rằng cổ phiếu của tập đoàn này đang bị định giá thấp.
Trong quý 2, SoftBank lỗ ròng 3.160 tỷ Yên (tương đương 23,4 tỷ USD), cao hơn mức lỗ ròng 2.100 tỷ Yên của quý 1. Cùng kỳ năm ngoái, tập đoàn này lãi ròng 762 tỷ Yên.
Trong đó, riêng quỹ đầu tư Vision Fund lỗ 2.930 tỷ Yên (tương đương 21,68 tỷ USD). Đây là quý lỗ nhiều thứ hai của quỹ này từ trước đến nay.
SoftBank hiện sở hữu danh mục đầu tư với hơn 300 cổ phiếu công nghệ, hầu hết được quản lý bởi hai quỹ Vision Fund và Vision Fund 2. Trong quý 2, một loạt cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao lao dốc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
"Các cổ phiếu niêm yết được định giá hàng ngày, nhưng các công ty chưa niêm yết thì không. Nhiều nhà quản lý tại các kỳ lân chưa niêm yết vẫn cho rằng họ có thể huy động vốn với giá cao hơn vì hiệu suất của họ tăng lên so với vòng gọi vốn trước đó. Mùa đông với các kỳ lân chưa niêm yết sẽ kéo dài hơn nhiều so với những công ty đã niêm yết".
MASAYOSHI SON
Giá cổ phiếu của một số công ty niêm yết như hãng thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang, công ty gọi xe công nghệ Uber Technologies của Mỹ, công ty giao đồ ăn DoorDash của Mỹ, đều giảm mạnh khi thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến cơn bán tháo trên diện rộng. Vài tuần gần đây, một vài mã trong số này đã phục hồi phần nào.
Bên cạnh đó, giá trị cổ phần mà SoftBank nắm giữ tại các công ty chưa niêm yết cũng giảm mạnh trong quý. Lợi nhuận đầu tư tích lũy của quỹ Vision Fund 2 –có tỷ trọng đầu tư vào các công ty chưa niêm yết cao hơn Vision Fund – giảm xuống mức âm vào cuối tháng 6.
Ông Son cảnh báo rằng một số startup “kỳ lân” (công ty có định giá từ 1 tỷ USD trở lên) đang được định giá quá cao so với những công ty đã niêm yết.
“Các cổ phiếu niêm yết được định giá hàng ngày, nhưng các công ty chưa niêm yết thì không. Nhiều nhà quản lý tại các kỳ lân chưa niêm yết vẫn cho rằng họ có thể huy động vốn với giá cao hơn vì hiệu suất của họ tăng lên so với vòng gọi vốn trước đó”, ông nói. “Mùa đông với các kỳ lân chưa niêm yết sẽ kéo dài hơn nhiều so với những công ty đã niêm yết”.
SoftBank cũng báo lỗ 820 tỷ Yên liên quan tới tỷ giá do đồng Yên giảm giá so với USD, đẩy giá trị các khoản nợ bằng USD tăng lên. Giá trị tài sản ròng của SoftBank đã giảm từ 27.000 tỷ Yên vào tháng 6/2021 xuống còn 18.500 tỷ Yên vào tháng 3 năm nay.
Trở lại với kế hoạch cắt giảm chi phí, ông Son cho biết SoftBank đang thảo luận về việc bán công ty đầu tư Fortress Investment Group tại Mỹ. SoftBank mua công ty này vào năm 2017 với giá 3,3 tỷ USD.
Báo cáo tài chính của SoftBank không thể hiện các khoản lãi-lỗ của khoản đầu tư vào một số công ty như Alibaba Group Holding của Trung Quốc.
Tập đoàn này sở hữu cổ phiếu Alibaba thông qua các công ty con tách biệt với quỹ Vision Fund. Tính tới cuối tháng 3, lợi nhuận từ khoản đầu tư vào tập đoàn Trung Quốc của SoftBank là 23,73%, giảm từ mức 24,28% được ghi nhận hồi cuối tháng 12. SoftBank đã thế chấp cổ phần tại Alibaba để huy động tiền mặt.
Theo các nhà phân tích, giờ đây làm sao để vực dậy danh mục đầu tư công nghệ của SoftBank là một thách thức lớn với ông Son – người đã biến tập đoàn này từ một công ty viễn thông trở thành công ty đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ. Rajeev Misra, một trong những cấp phó thân cận nhất của ông Son, gần đây đã rời khỏi vị trí điều hành quỹ Vision Fund 2 để thành lập một quỹ mới.