5 trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu cơ bản đã xong bước cơ bản, 4 thành viên còn lại vẫn lình xình cả năm qua.
Theo Ngân hàng Nhà nước, 4 thành viên này đều đã có phương án tái cơ cấu, song chưa được thông qua. Theo đó, tiến độ chung bị chậm lại xét ở các kết quả công bố cụ thể.
Kết quả “ngầm”
Tại nghị quyết ở kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 13 vừa qua, yêu cầu đặt ra là Ngân hàng Nhà nước phải “tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh”.
Có một điểm đáng chú ý: lần đầu tiên “công ty tài chính” có mặt trong hướng thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống. Điểm lại, kể từ tháng 10/2011, khi chiến lược đặt ra và cho đến nay, việc tái cơ cấu các công ty tài chính vẫn còn để ngỏ.
Trả lời VnEconomy mới đây, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vì các công ty tài chính hầu hết là quy mô nhỏ, các công ty mẹ có thể xử lý và ảnh hưởng đối với hệ thống không quá lớn; còn thời gian qua tái cơ cấu tập trung vào các ngân hàng thương mại.
Riêng Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) lại khá đặc biệt, khi quy mô tổng tài sản đã lên tới trên dưới 90.000 tỷ đồng. Có thể Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ lưu ý trường hợp này và gắn với việc thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (?).
Điểm nhấn thứ hai đặt ra trong nghị quyết của Quốc hội là yêu cầu “tạo cho được chuyển biến tích cực”. Vậy thì vì sao thời gian qua chưa chuyển biến tích cực?
Trước hết phải thấy rằng các trường hợp thuộc diện tái cơ cấu vẫn đang âm thầm thực hiện. Họ cũng đã có những kết quả bước đầu mà không công bố công khai, chưa thể hiện ở những “cuộc hôn nhân” cụ thể để cho thấy tiến độ chung là chuyển biến hay không.
Đơn cử như trường hợp Ngân hàng Nam Việt (Navibank), sau khi cơ quan thanh tra vào cuộc, đã có sự chỉnh đốn và tự khắc phục. Ít nhất, hoạt động ngân hàng này đã được làm rõ hơn, các chỉ số an toàn được xác định chặt chẽ hơn.
Tương tự, cuối 2011 đầu 2012, lực lượng thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã khoanh vùng được những ngân hàng yếu kém, định hướng để khắc phục. Ít nhất kết quả ở đây là ngăn chặn khả năng lan rộng của những hoạt động hoặc biểu hiện tiêu cực, bất ổn trước đó.
Cùng với việc khoanh vùng, hạn chế những bật cập, Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ thanh khoản cho nhóm này. Đến nay, sức khỏe một số thành viên đã khá lên và một rào cản mới lại xuất hiện…
Luyến tiếc và trì hoãn?
Trao đổi bên lề với VnEconomy, một nguồn tin đang tính tham gia tái cơ cấu một ngân hàng cho hay, họ đang ở tình thế “oái ăm”.
Chuyện là, sau khi khoanh vùng, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp hỗ trợ thanh khoản, giám sát chặt chẽ các hoạt động, bản thân ngân hàng đó tốt lên trông thấy. Quá trình hỗ trợ bước đầu được xem là “mồi” để chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu. Song, khi có “mồi”, ngân hàng tránh được bờ vực đổ vỡ, các chỉ số an toàn dần cải thiện, vốn huy động liên tục tăng…
“Cùng với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng này có thay đổi cổ đông quan trọng và cổ đông mới đã tạo được những thay đổi tích cực. Theo tôi nhìn nhận thì đến nay họ đã lành mạnh, có các chỉ số an toàn không hề kém so với nhiều ngân hàng lớn mạnh khác”, nguồn tin nói.
Song, khi đã tạm qua cơn hiểm nghèo, sức ỳ để đi đến bước quyết định của kế hoạch tái cơ cấu lại lớn hơn. Nếu cứ ỳ mãi, “mất mồi” là một khả năng, bởi họ muốn giữ một cơ cấu, hình hài hiện tại mà không sáp nhập hoặc hợp nhất; giả sử được giữ nguyên vậy thì không chắc rồi có tránh được vết xe đổ vừa qua hay không.
Nguồn tin chia sẻ rằng: “Kế hoạch của chúng tôi bị kéo dài, bởi sau khi chuyển biến tốt như vậy, vị thế của họ đã khác. Quan trọng hơn là nảy sinh một sự luyến tiếc, rằng để có một ngân hàng như hiện nay và vẫn sống được thì rất khó, còn sáp nhập hoặc hợp nhất là “mất đi”. Thành ra tiến độ bị chậm lại, ngay cả từ tâm lý trì hoãn như vậy”.
Thực tế, báo cáo của Chính phủ mới đây cũng nói đến một trở ngại, gần với thực tế trên, là có tình huống cổ đông lớn chống đối, không hợp tác khiến quá trình tái cơ cấu chưa được như mong muốn.
Mặt khác, cũng theo phân tích từ nguồn tin trên, sau khi được “mồi” và hoạt động đã tốt hơn, còn có tâm lý mơ hồ rằng: việc vực dậy một ngân hàng từ nguy cơ đổ vỡ là thành quả, có vẻ như cũng sẽ “mất đi” nếu hợp nhất hoặc sáp nhập, trong khi tương lai sau hợp nhất hoặc sáp nhập là chưa rõ sẽ như thế nào.
Những nguyên do đó phát sinh trong quá trình tái cơ cấu. Và như nguồn tin trên phân tích là góp phần cản trở tiến độ, bên cạnh nhiều nguyên do khác nữa.
Còn phía Ngân hàng Nhà nước, thông tin mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra vừa qua là chưa bắt buộc các ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu, mà chủ yếu là tự nguyện.
Với thực tế trên, phần “mồi” không hẳn là mất đi vì đã góp vào cải thiện sức khỏe chung cho hệ thống, song liệu đã đến lúc áp yêu cầu bắt buộc tái cơ cấu hay chưa, thậm chí chỉ định, để “tạo cho được chuyển biến tích cực”?
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate