Bản báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2012 với chủ đề “Đối diện thách thức tái cơ cấu kinh tế” do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện và công bố mới đây đã bày tỏ sự lo lắng về tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Theo báo cáo này, hiện có quá nhiều “ẩn số” có thể tác động vào tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và nếu không làm rõ được, hiệu quả cuối cùng có thể không được như kỳ vọng.
Để thực hiện chương riêng về “Hoạt động và những vấn đề của tái cơ cấu ngân hàng thương mại Việt Nam” trong báo cáo này, nhóm công tác thuộc VEPR đã tiến hành một cuộc điều tra khảo sát tại 40 ngân hàng thương mại và phỏng vấn 20 chuyên gia kinh tế và nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhằm thu thập dữ liệu cũng như các đánh giá, nhận định.
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 3/2012, ngoài những yếu tố có liên quan trực tiếp như lạm phát cao, thị trường bất động sản và chứng khoán sụt giảm và đóng băng, các doanh nghiệp sản xuất đình đốn…, hoạt động của hệ thống ngân hàng chịu tác động mạnh mẽ của các biện pháp và chính sách điều tiết trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.
Những biện pháp và chính sách điều tiết trực tiếp đã góp phần kiềm chế lạm phát nhưng cũng chính là tác nhân chính tạo ra những nghịch lý trong hoạt động của hệ thống ngân hàng như cuộc đua lãi suất, từ căng thẳng thanh khoản chuyển sang nguy cơ ứ đọng vốn, lợi nhuận ngân hàng cao trong khi nền kinh tế sa sút…
Thêm vào đó là tình trạng nợ xấu gia tăng trong khi công tác quản trị, điều hành yếu kém, quản lý rủi ro tuy được coi trọng hơn nhưng vẫn chưa được thực hiện theo thông lệ quốc tế.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được tiến hành khá chủ động, tuy nhiên vẫn theo báo cáo này, “xét trên cả góc độ lý luận và thực tiễn, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến đối tượng, biện pháp, lộ trình, những khó khăn thách thức và những nhân tố ảnh hưởng khác cần được nghiên cứu, bổ sung và cụ thể hóa”.
Các vấn đề chính mà báo cáo này khuyến nghị là cần làm rõ các ẩn số liên quan đến mô hình của hệ thống ngân hàng thương mại sau tái cơ cấu, nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu, vai trò của công ty mua bán nợ trong quá trình tái cơ cấu, sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối và mối liên hệ giữa tái cơ cấu ngân hàng với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.
Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh rằng vấn đề căn bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại và tạo điều kiện để thị trường tự tái cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp thông qua việc thực hiện hiệu quả các thủ tục về phá sản, sát nhập và mua lại.
“Hai nhiệm vụ này có quan hệ qua lại với nhau, giúp tạo điều kiện để giảm lãi suất thực trong nền kinh tế”, báo cáo viết.
VEPR thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, thành lập tháng 7/2008. Một trong những mục tiêu của trung tâm này là thực hiện các nghiên cứu cơ bản và độc lập trong khoa học kinh tế và các vấn đề liên ngành lấy kinh tế học làm trung tâm; phát triển và ứng dụng các phương pháp định lượng trong kinh tế học và phân tích chính sách. VEPR cũng cung cấp dịch vụ tư vấn về phân tích chính sách, phân tích kinh tế và tài chính cho các cơ quan chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate