August 15, 2023 | 17:00 GMT+7

Mất sổ bảo hiểm xã hội, cần làm gì để được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Phúc Minh -

Người lao động khi làm mất sổ bảo hiểm xã hội mà có mong muốn nhận trợ cấp thất nghiệp thì cần phải đi làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội để hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đây cũng là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Pháp luật hiện hành cũng quy định, sổ bảo hiểm xã hội là một trong những giấy tờ cần có trong hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, người lao động không thể làm được hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp nếu mất sổ bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp này, nếu người lao động có mong muốn nhận trợ cấp thất nghiệp thì cần phải đi làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội để hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cùng với đó, Điều 46 Luật Việc làm 2013 cũng quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm chỉ nhận hồ sơ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động. Do vậy, để kịp thời hạn nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần nhanh chóng làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội.

Hiện người lao đông có thể xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội bằng nhiều cách. Đó là làm thủ tục tại cơ quan Bảo hiểm xã hội. Hồ sơ cần chuẩn bị gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đến trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trên toàn quốc. Thời hạn giải quyết không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.

Bên cạnh đó, người lao động cũng có thể xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online, bằng cách tự thao tác trên ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số, hoặc Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm số thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn; 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

Cũng căn cứ theo quy định tại Luật việc làm về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, một số trường hợp người lao động sẽ không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp như: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; người lao động được hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ 12 tháng.

Không thuộc đối tượng người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; không nộp đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật; không nộp đúng thời gian quy định.

Người lao động thuộc các trường hợp trên sẽ không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp do không đủ điều kiện theo quy định hoặc không thuộc đối tượng được hưởng chế độ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate