June 16, 2024 | 07:06 GMT+7

Máy ảnh và linh kiện, ngành hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm

Quỳnh Anh

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này với hơn 2,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm trước...

Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô chủ lực của Việt Nam - Ảnh minh họa.
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô chủ lực của Việt Nam - Ảnh minh họa.

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan đã chỉ ra quán quân tăng trưởng mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm là mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với 3,58 tỷ USD, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 5/2024, mặt hàng này thu về hơn 656 triệu USD, tuy nhiên giảm 10,5% so với tháng 4/2024.

Điểm đáng mừng trong xuất khẩu mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện là các thị trường chủ đạo đều đang tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này với hơn 2,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm trước.

Mỹ là thị trường lớn thứ 2 với hơn 419 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch 213 triệu USD, tăng 5% so với 5T/2023.
Thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch 213 triệu USD, tăng 5% so với 5T/2023.

Theo Mordor Intelligence, quy mô thị trường máy ảnh kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt 6,83 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,85% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

Tại thị trường Việt Nam, trong năm 2023, xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đã mang về hơn 7,6 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ và là mặt hàng có mức tăng trưởng đứng thứ 3 chỉ sau nhóm hàng rau quả và gạo.

Một trong những thách thức của mặt hàng máy ảnh, máy quay phim là sở thích của người tiêu dùng dần thay đổi, chuyển sang máy ảnh điện thoại thông minh. Các lô hàng máy ảnh kỹ thuật số toàn cầu đã chứng kiến sự sụt giảm doanh số bán hàng trong thập kỷ qua. Hầu hết các hãng sản xuất máy ảnh kỹ thuật số lớn cũng đều ghi nhận doanh số sụt giảm và biến động trong vài năm trở lại đây.

Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh trở lại. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới.

Để giữ vững vị trí và tiềm năng phát triển, chuyên gia khuyến cáo, các nhà sản xuất chú trọng đầu tư vào nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Sự đổi mới trong công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa tiềm năng của thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đặc biệt là các thị trường lân cận của Việt Nam, nơi có các FTA với các ưu đãi lớn như khu vực RCEP, khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN hay khối thị trường CPTPP. Cùng với đó là khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng dư địa cho xuất khẩu như châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate