Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc đang vật lộn với nhiều thách thức lớn, từ việc đồng nội tệ mất giá, lòng tin người tiêu dùng suy yếu cho tới tăng trưởng việc làm chậm lại và cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc.
Cùng với đó, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á dối diện “cú sốc chính trị kép”, một là sự trở lại của ông Donald Trump trên cương vị tổng thống Mỹ và một là những hậu quả từ nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol – người hiện đã bị tạm giam.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cú sốc chính trị đã làm trầm trọng thêm vấn đề, nhưng nền kinh tế Hàn Quốc vốn tồn tại nhiều yếu điểm từ trước đó.
“Kể cả khi cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại được giải quyết nhanh chóng, vẫn có nhiều lý do để bi quan về triển vọng kinh tế Hàn Quốc”, ông Park Chong-hoon, trưởng bộ phận nghiên cứu tại ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Seoul, nhận xét với tờ báo Financial Times.
ĐỒNG WON SUY YẾU
Năm 2024, won Hàn Quốc là đồng tiền châu Á mất giá mạnh nhất so với USD, trong đó riêng quý 4 giảm hơn 10%. Theo các nhà phân tích, dù đồng nội tệ giảm giá thường có lợi cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng giá trị cao khiến lợi thế này không lớn với trường hợp của Hàn Quốc.
Đồng won liên tục trượt giá khiến Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3% trong cuộc họp chính sách tuần trước, bất chấp tăng trưởng kinh tế ì ạch và những dấu hiệu bất ổn trên thị trường việc làm. Quyết định này ngược lại với kỳ vọng của thị trường.
“Đồng won mất giá dường như là yếu tố lớn nhất dẫn tới quyết định của BOK”, nhà kinh tế Oh Suk-tae, của Société Générale ở Seoul, chia sẻ. “BOK nhận thức rõ tình tình xấu của nền kinh tế nhưng họ nhạy cảm với tỷ giá hơn là tăng trưởng kinh tế”.
MỐI ĐE DỌA TỪ NHIỆM KỲ TỪ HAI CỦA ÔNG TRUMP
Hàn Quốc nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Mỹ năm 2024 khi các nhà sản xuất nước này đua nhau mở nhà máy chip và pin xe điện tại Mỹ để tận dụng các chính sách ưu đãi hào phóng của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, làn sóng nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc để phục vụ các cơ sở sản xuất này đã khiến thặng dư thương mại của nước này với Mỹ tăng kỷ lục. Theo các nhà phân tích, điều này có thể khiến Hàn Quốc trở thành một mục tiêu bị áp thuế quan khi ông Trump trở lại Nhà Trắng bởi thặng dư thương mại từ lâu là một nỗi ám ảnh của vị Tổng thống đắc cử.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính kiêm quyền Tổng thống Choi Sang-mok nhận định rằng rằng mối đe dọa thuế quan của ông Trump sẽ “tác động đáng kể” đến nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc.
“Dù ông Trump có thể sẽ tăng thuế từ từ, điều này có thể tác động mạnh tới thị trường tài chính Hàn Quốc và gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế”, giáo sư Shin Min-young tại Đại học Hongik (Hàn Quốc), nhận định.
Trong chiến dịch trang cử, ông Trump cho biết muốn tăng thuế quan với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả từ các nước đồng minh như Hàn Quốc.
TĂNG TRƯỞNG TRÌ TRỆ
Thứ năm Tuần trước, BOK cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2,2% của năm 2024, đồng thời hạ dự báo năm 2025 xuống còn 1,8%. Đây là con số tương đối thấp so với mức tăng trưởng bình quân năm trên 3% của nước này trong thập niên 2010.
“Rủi ro suy giảm tăng trưởng kinh tế và biến động tỷ giá hối đoái đều đã tăng lên”, Thống đốc BOK Rhee Chang-yong nhận định, đồng thời chỉ ra những rủi ro chính trị leo thang gần đây tại Hàn Quốc.
Theo các nhà phân tích, áp lực với đồng won tăng lên sau hai lần hạ lãi suất liên tiếp vào tháng 10 và 11 của BOK trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu hạ lãi suất chậm lại để phản ứng với rủi ro lạm phát dai dẳng ở Mỹ sau chiến thắng của ông Trump.
Trong trường hợp chính sách bảo hộ thương mại và nhập cư của ông Trump khiến lạm phát ở Mỹ tăng mạnh trở lại – điều được nhiều chuyên gia dự báo – và Fed có thể xoay trục sang thắt chặt chính sách tiền tệ, áp lực với đồng won và tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ càng thêm nặng nề.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng tăng trưởng trì trệ có thể gây tác động lớn trong dài hạn bởi Hàn Quốc đang đối mặt một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học với mức sinh thấp nhất thế giới.
BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ VÀ CUỘC KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN
Cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra trong nước đang ảnh hưởng lớn tới khả năng giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc của nền kinh tế Hàn Quốc. Cuộc khủng hoảng này chưa có dấu hiệu lắng xuống khi tuần trước Tổng thống Hàn Quốc bị bắt với cáo buộc lạm dụng quyền lực.
“Trước đây, chính sách tiền tệ và thương mại của Mỹ là những yếu tố lớn nhất tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Nhưng giờ đây, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào tình hình chính trị trong nước và hoạt động của nền kinh tế dưới sự điều hành của Quyền Tổng thống”, Thống đốc BOK nhận định vào tuần trước.
Đồng won suy yếu và bất ổn chính trị đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong 11 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ tại nước này sụt xuống mức thấp nhất 24 năm. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc cũng thuộc hàng cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Các công ty bán lẻ Hàn Quốc ghi nhận sự gia tăng đáng kể nhu cầu tìm mua hàng hóa và thực phẩm giảm giá trong bối cảnh người tiêu dùng Hàn Quốc tìm cách chống chọi với áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng.
Tháng 12 năm ngoái. Hàn Quốc ghi nhận số lượng việc làm giảm ròng 52.000 công việc so với cùng kỳ năm trước – mức giảm mạnh nhất kể từ sau đại dịch Covid-19. Một khảo sát của BOK tuần trước cho thấy các công ty lớn của Hàn Quốc đang đối mặt những rủi ro tín dụng nghiêm trọng nhất kể trong vòng 8 năm trở lại đây.
“Bối cảnh chính trị bất ổn ở Hàn Quốc đang khiến các doanh nghiệp không muốn đầu tư mở rộng kinh doanh còn người tiêu dùng muốn thắt chặt chi tiêu”, ông Park tại Standard Chartered nhận định.
CẠNH TRANH TỪ TRUNG QUỐC
Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ, thép, hóa dầu, dệt may cho đến mỹ phẩm đang chật vật cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc đang khiến hàng hóa từ nước này tràn ra thị trường toàn cầu.
Đáng lo ngại hơn, các công ty Trung Quốc đang đạt được nhiều bước tiến nhanh chóng trong phát triển và sản xuất chip nhớ - mặt hàng xuất khẩu giá trị nhất và cũng là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Hàn Quốc.
“Trong nhiều lĩnh vực quan trọng, Trung Quốc đang bắt kịp Hàn Quốc hết sức nhanh chóng”, ông Jaemin Lee, một chuyên gia về thương mại tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét. “Nếu Mỹ áp đặt hạn chế với hàng Trung Quốc, điều này sẽ là con dao hai lưỡi với các nhà xuất khẩu Hàn Quốc bởi Bắc Kinh sẽ cố gắng tìm các địa điểm xuất khẩu thay thế. Tất cả những điều này đồng nghĩa Hàn Quốc sẽ đối mặt với cạnh tranh lớn hơn nữa từ Trung Quốc ở các nước thứ ba”.