Thị trường trong nước gần như đi ngang trong biên độ hẹp ở tuần cuối tháng 8, giảm -1,45 điểm (-0,11%) so với tuần trước, chốt tháng 8 ở ngưỡng 1.283,87 điểm. Áp lực giảm tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, Midcap và Smallcap giảm lần lượt -1,11% và -1,21%. Ngược dòng thị trường là nhóm Vn30, tăng +0,78%. Khép lại tháng 8, chỉ số Vn-Index vẫn có mức tăng +32,36 điểm (+2,59%), ghi nhận tháng tăng thứ 2 liên tiếp.
Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần cuối tháng 8 đạt 17.264 tỷ đồng, giảm -13,1% so với tuần trước đó. Theo thống kê, thanh khoản tháng 8 còn 18.580 tỷ đồng, giảm -4,1% so với tháng 7 và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm, lũy kế từ đầu năm đạt 23.753 tỷ đồng, tăng +35,6% so với năm 2023.
Nhận định về thị trường chứng khoán tuần này, Công ty CP Chứng khoán MBS cho rằng thị trường trong nước đang có cơ hội để vượt ngưỡng kỹ thuật 1.300 điểm với một số luận điểm.
Theo đó, các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới thi nhau lập các đỉnh cao mới khi kỷ nguyên lãi suất cao đang dần chấm dứt. Chỉ số MSCI ACWI theo dõi các thị trường phát triển và thị trường mới nổi liên tiếp lập các đỉnh cao mới nhờ lực đẩy từ chứng khoán Mỹ (Dow Jones) và Châu Âu (STOXX 600). Đây là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong nước chinh phục ngưỡng tâm lý 1.300 điểm.
Ở trong nước, các yếu tố hỗ trợ cho thị trường ở thời điểm hiện tại đến từ: Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tốt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức. GDP năm nay vì thế được dự báo tăng 6,1%, cao hơn nhiều mức 5,5% tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. Theo WB, GDP Việt Nam tiếp tục tăng, khả năng đạt 6,5% cho hai năm tới.
Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi, FTSE Russell sẽ công bố sau ngày 8/10 tới thay vì tháng 9 như mọi năm. Tại thông báo lần này, FTSE sẽ có 3 thị trường được đưa vào danh sách theo dõi kể từ tháng 3/2024 là Ai Cập, Pakistan và Việt Nam.
Tỷ giá USD/VND liên tục hạ nhiệt khi triển vọng FED cắt giảm lãi suất gia tăng. Giới chuyên môn nhìn nhận, áp lực tỷ giá hạ nhiệt sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Với lãi suất, dù xu hướng tăng lãi suất huy động vốn của các ngân hàng vẫn chưa dừng lại, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại, thậm chí một số ngân hàng còn có động thái giảm lãi suất trở lại trong những tuần gần đây.
Về kỹ thuật, mặc dù chỉ số Vn-Index đi ngang trong 7 phiên gần đây nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng khi đã thoát khỏi xu hướng giảm nối các đỉnh tháng 6 và tháng 7. Hiện chỉ số này vẫn nằm trên tất cả các đường MA quan trọng từ MA 50 đến MA200.
Phía trước vẫn là vùng cản kỹ thuật ngắn hạn 1.297 – 1.306 điểm, trong kịch bản cơ bản khi Vn-Index vượt vùng cản ngắn hạn này, kỳ vọng chỉ số sẽ hướng đến vùng mục tiêu 1.320 điểm, trong khi vùng hỗ trợ ở 1.260 điểm.
MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với một số nhóm cổ phiếu nổi bật như: Ngân hàng, Chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, đầu tư công… nhà đầu tư có thể xem xét để giải ngân mới hoặc cơ cấu danh mục.
Cho cả năm 2024, MBS dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm, sau khi tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E từ 12 đến 12,5 lần.
Cũng theo MBS, sự tăng giá gần đây của các cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid-cap) đã đưa định giá VNMID lên 17,1 lần P/E, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index.
Thậm chí, các cổ phiếu mid-cap hiện đang được giao dịch ở mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn (large-cap). Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu large-cap (được đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với trung bình thị trường. Định giá của các cổ phiếu large-cap có vẻ hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính 2024-2025 so với các nhóm khác.
Tổng lợi nhuận thị trường sẽ tăng lần lượt 33,1% và 21,9% trong quý 3 và quý 4 năm 2024. Đối với năm 2024, lợi nhuận thị trường dự kiến sẽ tăng 20% so với cùng kỳ từ mức nền thấp của năm 2023. Các động lực chính cho sự cải thiện lợi nhuận của thị trường sẽ đến từ hoạt động kinh doanh vững chắc của các ngân hàng (+20%), bán lẻ (+204%), vật liệu xây dựng (+56%) và điện (+25%).
Đối với năm tài chính 2025, tăng trưởng lợi nhuận thị trường có thể giảm tốc xuống 15%, được hỗ trợ bởi ngân hàng (+23%), vật liệu xây dựng (+33%), khu công nghiệp (+26%) và điện (+28%).