Trước khi được biết đến như một cuộc "diễu hành" của những thiết kế thời trang lộng lẫy được trình diễn bởi những gương mặt tên tuổi tại Hollywood, Met Gala từng là một buổi gây quỹ cho Viện Trang phục. Bảo tàng The Met bao gồm nhiều bộ phận khác nhau, trong đó, Viện Trang phục là bộ phận duy nhất tự tài trợ cho chính mình. Số tiền thu được sẽ được dùng để chăm lo cho bộ sưu tập triển lãm bao gồm hơn 33,000 mẫu trang phục, phụ kiện, trang sức và tài liệu ghi chép lịch sử thời trang từ tận những năm 1.400 cho tới thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, nhà tổ chức - tạp chí Vogue - có nhiều cách để kiếm tiền từ sức hút to lớn của sự kiện này. Phía bảo tàng cho biết Met Gala năm 2024 đã quyên góp được hơn 26 triệu USD, một số tiền kỷ lục – ngay cả đối với một bữa tiệc đã trở thành nơi tụ tập hàng năm của những người nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang, điện ảnh, truyền hình, thể thao, âm nhạc, kinh doanh và hơn thế nữa. Số tiền này tăng 4 triệu USD so với tổng số tiền của sự kiện năm ngoái và hơn gấp đôi số tiền mà sự kiện này đã quyên góp được một thập kỷ trước, vào năm 2014.
Để so sánh, buổi dạ tiệc mùa thu gần đây nhất của Nhà hát Ballet Thành phố New York chỉ thu về được 4 triệu USD, và buổi dạ tiệc của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ đã thu về 2,5 triệu USD. Ngay cả các sự kiện khác của The Met cũng không thể so sánh. Sự kiện năm ngoái đã quyên góp được gần 22 triệu USD, trong khi Gala Nghệ thuật & Nghệ sĩ 2023 của Met đã quyên góp được 4,4 triệu USD.
Theo tờ New York Times, buổi dạ tiệc tối thứ Hai vừa qua đã bán vé với giá khởi điểm là 350.000 USD/bàn 10 người cho bữa tối. Một vé cá nhân có giá là 75.000 USD — so với 50.000 USD năm ngoái và 35.000 USD vào năm 2022. Toàn bộ nội dung chương trình được giám sát như thường lệ bởi “bà trùm” tạp chí Vogue Anna Wintour, người đã tham gia với tư cách là người dẫn chương trình cùng với Jennifer Lopez, Bad Bunny, Zendaya và Chris Hemsworth.
Danh sách khách mời là một bí mật cho đến phút cuối. Không giống như các hoạt động gây quỹ văn hóa khác, như buổi dạ tiệc Metropolitan Opera hay Frick Collection Young Fellows Ball, Met Gala chỉ dành cho những người được mời. Mà các tiêu chuẩn để được lọt vào danh sách khách mời liên quan nhiều đến tiếng vang, thành tích và sắc đẹp. “Bà trùm” Wintour là người có tiếng nói cuối cùng đối với mọi lời mời và người tham dự.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn quyên góp rất nhiều tiền cho bảo tàng, bạn cũng không nhất thiết là người đủ tiêu chuẩn được mời. Và ngay cả khi một doanh nghiệp, tổ chức nào đó mua nguyên một bàn dự tiệc tối, họ cũng không được phép chọn tất cả 10 người sẽ ngồi vào chiếc bàn đó. Họ sẽ phải xóa tên bất kỳ vị khách nào mà bà Wintour và Vogue không chấp thuận. Theo người phát ngôn của Viện Trang phục, năm nay, cũng như năm 2023, có khoảng 400 người được chọn.
Những người nổi tiếng thường không tự mua vé. Thay vào đó, các thương hiệu như Chloé hay Tory Burch mua cả bàn với giá khởi điểm 350.000 USD và chọn ra những cái tên nổi tiếng nhất để mời tham dự. Đối với những thương hiệu này, lượng sự chú ý trực tuyến và truyền thông đổ dồn vào buổi dạ tiệc khiến đây trở thành một cơ hội quảng cáo mạnh mẽ.
Buổi dạ tiệc cũng thu được khoản tiền lớna từ các nhà tài trợ, năm nay là Condé Nast, thương hiệu thời trang xa xỉ Loewe và gã khổng lồ truyền thông xã hội TikTok, vốn đang phải đối mặt với lệnh cấm tiềm năng ở Hoa Kỳ. TikTok từ chối cho biết họ đã trả bao nhiêu tiền để tài trợ cho sự kiện này và các nhà tài trợ trước đây bao gồm Apple và Instagram cũng rất kín tiếng về những đóng góp của họ. Nhưng Stephen A. Schwarzman, giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư Blackstone, được cho là đã đóng góp khoảng 5 triệu USD với tư cách là nhà tài trợ cho buổi dạ tiệc hồi năm 2018.
Thực tế, kể từ sau khi buổi dạ tiệc năm 2021 thu về 16,4 triệu USD, Met Gala trở thành một trong những sự kiện được nhắc đến nhiều nhất trong năm – không chỉ báo in mà các tạp chí thời trang cũng bị choáng ngợp bởi độ phủ sóng của sự kiện trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Rachel Feinberg, một nhà tư vấn gây quỹ ở Thành phố New York, cho biết: “Có rất ít sự kiện khác quyên góp được số tiền tương tự. Met đã tìm thấy công thức tuyệt vời để trở thành cỗ máy thu lợi nhuận”.
Dĩ nhiên, không phải là bán vé mà thời điểm “kiếm lời” nhiều nhất là trên thảm đỏ, khi Vogue bán không gian quảng cáo. Met Gala thu lợi từ mạng xã hội khi sự kiện triển khai việc livestreaming trên hàng dài các nền tảng xã hội, bao gồm Twitter, Facebook và Instagram. Được biết, Vogue tính phí khoảng 1 triệu USD cho 2 suất trình chiếu 6s trong khung thời gian 2 tiếng, cùng với công cụ lan tỏa truyền thông thông qua những KOLs và các kênh. Về điều này, Vogue từ chối đưa ra bất cứ bình luận nào.
Một nguồn lợi nhuận khác là từ trang website của Vogue, nơi không chỉ cập nhật các tin trực tiếp mới nhất mà còn tổ chức một cuộc bình chọn, trong đó công chúng có thể trao giải cho những bộ trang phục họ yêu thích. Quảng cáo trên website này cũng được bán với giá cao. Bên cạnh đó, trong những năm qua, thảm đỏ Met Gala đã tạo ra giá trị truyền thông 543 triệu USD, cao hơn Super Bowl, với phiên livestream thu hút 16,5 triệu lượt xem, trong khi các video về nội dung sự kiện kéo về 8,2 triệu lượt xem trong ba ngày tiếp theo.
Năm 2019, Met Gala huy động được 15 triệu USD. Năm 2021, con số được ghi nhận là 16,5 triệu. Trong 5 năm qua, sự kiện này đã huy động được hơn 70 triệu USD và chỉ trong 2 thập kỷ, hơn 200 triệu USD là cột mốc Met đã vượt qua một cách dễ dàng. Trong khi đó, để tổ chức sự kiện, xấp xỉ 4 triệu USD là số tiền thừa đủ.
Đặc biệt, Vogue chắc chắn không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào tận dụng sự kiện này. Yếu tố truyền hình hay phim tài liệu là một trong những cơ hội Vogue đã thử sức. Trong đó, bộ phim tài liệu “Thứ Hai đầu tiên của tháng Năm” (2016) bao gồm Met Gala năm 2015 thu về hơn 1 triệu USD tại các rạp chiếu trên toàn thế giới, theo The Numbers. Bên cạnh đó, mỗi năm kênh truyền hình cáp nổi tiếng của Mỹ E! còn là đơn vị bao thầu việc phát sóng toàn bộ buổi tối của sự kiện, nhưng Vogue nói rằng họ không kiếm được nguồn thu từ đó.