Theo nguồn tin thân cận của Wall Street Journal, Meta Platforms Inc. - công ty mẹ của các mạng xã hội Facebook, Instagram… - đang có kế hoạch bắt đầu sa thải hàng nghìn nhân viên trong tuần này. Đây là một trong những đợt cắt giảm nhân sự lớn nhất trong ngành công nghệ Mỹ sau giai đoạn tăng trưởng chóng mặt hồi đại dịch.
Dự kiến Meta sẽ thông báo về đợt sa thải này sớm nhất vào ngày 9/11. Công ty đã thông báo cho toàn bộ nhân viên hủy bỏ các chuyến công tác không cần thiết trong tuần này - nguồn tin cho hay. Tính tới tháng 9/2022, Meta có hơn 87.000 nhân viên.
Đây sẽ là đợt sa thải nhân sự trên diện rộng đầu tiên trong lịch sử 18 năm của Meta (trước đây là Facebook). Đây cũng sẽ là kế hoạch sa thải nhân sự lớn nhất đến nay tại một công ty công nghệ lớn của Mỹ trong bối cảnh ngành này đang chứng kiến sự suy thoái.
“Một số nhóm trong công ty sẽ phát triển một cách có ý nghĩa, nhưng hầu hết các nhóm khác sẽ vẫn giữ nguyên hoặc giảm quy mô trong năm tới”, CEO Mark Zuckerberg của Meta phát biểu tại cuộc gọi hội nghị công bố kết quả kinh doanh của công ty hôm 26/10. “Nhìn chung, chúng tôi dự kiến sẽ kết thúc năm 2023 với quy mô nhân sự gần tương đương hoặc nhỏ hơn một chút so với hiện tại”.
Hồi tháng 9, tờ Wall Street Journal cũng đưa tin cho biết Meta đang lên kế hoạch cắt giảm chi phí ít nhất 10% trong những tháng tiếp theo, trong đó có biện pháp cắt giảm nhân sự.
“Thực tế mà nói, có lẽ có rất nhiều người tại Meta lẽ ra không nên ở đây”, ông Zuckerberg nói với các nhân viên tại một cuộc họp toàn công ty hồi cuối tháng 6.
Cũng giống như nhiều hãng công nghệ khổng lồ khác, Meta đã tăng cường tuyển dụng trong đại dịch Covid-19 khi hầu hết các hoạt động trong đời sống được chuyển sang trực tuyến. Trong cả năm 2020 và 2021, công ty này đã tuyển thêm hơn 27.000 nhân viên. Và chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, công ty bổ sung thêm gần 15.500 nhân viên.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ảm đạm đang khiến công ty này phải tính toán lại. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Meta đã giảm hơn 70% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. 16 tháng kể từ sau khi vượt vốn hóa 1.000 tỷ USD - gia nhập “câu lạc bộ” vốn hóa nghìn tỷ cùng Apple, Microsoft và Alphabet - Meta giờ đây chỉ còn vốn hóa khoảng 235 tỷ USD và không còn nằm trong top 20 công ty giá trị nhất tại Mỹ. Đây cũng là mã giảm giá mạnh nhất trong chỉ số S&P 500.
Meta cho rằng nguyên nhân của việc này là do xu hướng vĩ mô xấu đi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại trước những khoản chi tiêu khổng lồ cũng như mối đe dọa với hoạt động kinh doanh truyền thông xã hội cốt lõi của công ty. Tăng trưởng của Meta tại nhiều thị trường bị ảnh hưởng đáng kế do cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng mới nổi như TikTok, cũng như yêu cầu hạn chế khả năng quảng cáo nhằm mục tiêu trên thiết bị của Apple.
Tháng trước, trong một lá thư mở gửi ông Zuckerberg, công ty đầu tư Altimeter Capital - một cổ đông của Meta - nói rằng công ty nên sa thải bớt nhân sự và tiết chế bớt tham vọng metaverse (vũ trụ ảo) của mình. Điều này cho thấy sự bất mãn của các cổ đông Meta đối với hoạt động vận hành và định hướng tương lai của công ty.
Trong quý 3, Meta ghi nhận doanh thu đạt 27,7 tỷ USD, giảm hơn 4% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu quý giảm doanh thu thứ hai liên tiếp. Lợi nhuận quý của công ty cũng sụt mạnh 52% xuống còn 4,4 tỷ USD.
Trong quý, chi phí của Meta tăng mạnh khiến dòng tiền tự do giảm tới 98%. Một trong những khoản chi tiêu lớn là đầu tư cho sức mạnh điện toán và trí tuệ nhân tạo để phát triển tính năng chia sẻ video ngắn Reels. Tuy nhiên, phần lớn chi tiêu của Meta trong quý 3 dành cho phát triển metaverse cũng như thiết bị thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường. Nỗ lực này đã tiêu tốn của Meta khoảng 15 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Reality Labs - đơn vị chịu trách nhiệm phát triển các kế hoạch cho metaverse - đã lỗ lũy kế 9,4 tỷ USD trong năm nay.
Dù được đầu tư mạnh tay, nền tảng thực tế ảo có tên Horizon Worlds của Meta không thu hút được nhiều quan tâm của người dùng. Số lượng người dùng của nền tảng này đã giảm xuống dưới 200.000.
“Tôi hiểu rằng nhiều người có thể không đồng tình với việc đầu tư này”, ông Zuckerberg nói với các nhà phân tích tại cuộc họp công bố kết quả kinh doanh. Tôi nghĩ rằng nhiều thập kỷ nữa, mọi người sẽ nhìn lại thời điểm bây giờ và nói về tầm quan trọng của những việc đang được thực hiện ở đây”.
Bất chấp những cam kết và tầm nhìn tương lai của vị tỷ phú, sau cuộc họp, các nhà phân tích đã hạ xếp hạng cổ phiếu Meta, đồng thời hạ giá mục tiêu của mã này.
“Lộ trình và những giải thích cho chiến lược này của ban lãnh đạo Meta vẫn không tạo được niềm tin ở các nhà đầu tư”, các nhà phân tích tại RBC Capital Markets nhận định trong một báo cáo.