Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1608/QĐ-TTg điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho Bộ Giao thông vận tải.
RÓT THÊM VỐN CHO ĐƯỜNG SẮT CÁT LINH - HÀ ĐÔNG
Cụ thể, quyết định nêu rõ điều chỉnh tăng 911 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm 223 tỷ đồng vốn trong nước và 687,9 tỷ đồng vốn nước ngoài, cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (phần thực hiện dự án) của Bộ Giao thông vận tải.
Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương, danh mục và mức vốn ngân sách trung ương được điều chỉnh ở trên thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho dự án theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo việc thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/1/2023.
Thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.
Một diễn biến khác, Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đến ngày 6/11/2023.
Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được bàn giao, đưa vào khai thác giai đoạn đầu từ ngày 6/11/2021 nhưng tổng thầu EPC và các đơn vị liên quan vẫn phải tiếp tục thực hiện các nội dung, công việc còn lại của dự án theo quy định của hợp đồng đã ký, bao gồm: mua sắm vật tư linh kiện dự phòng, mua phương tiện chuyên ngành khu depot, tiếp tục đánh giá an toàn hệ thống đối với hạng mục tín hiệu trong giai đoạn đầu khai thác, hoàn thành các nội dung theo thông báo số 107 ngày 5-11-2021 của Hội đồng Kiểm tra nhà nước.
TRỢ GIÁ ĐỂ "CỨU" METRO KHỎI CẢNH THUA LỖ
Phát triển hệ thống đường sắt đô thị đã và đang là một nhu cầu tất yếu với các đô thị có từ 1 triệu dân trở lên. Tính đến nay hầu hết các thành phố lớn nhất trên thế giới từ 6 triệu dân trở lên đã và đang sử dụng hiệu quả hệ thống metro là phương thức đi lại chủ yếu, còn lại 3 thành phố là Dhaka (Bangladesh), Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Việt Nam) dù chậm chân nhưng đang nỗ lực để sớm đưa vào vận hành hệ thống metro trong thời gian tới.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13 km là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước đã hoàn thành và chính thức vận hành thương mại vào tháng 11/2021. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, với tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD) và "đội" vốn tới 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD) sau khi điều chỉnh.
Sau hơn 1 năm hoạt động, dự án này phục vụ khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó hơn 10.000 người dùng vé tháng. Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000 - 28.000 lượt khách.
Do chi phí vận hành lớn, giá vé phải rẻ để thu hút hành khách sử dụng tàu điện công cộng, Hà Nội bố trí ngân sách để trợ giá cho đơn vị khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), tương tự ngân sách trợ giá cho xe buýt.
Theo đó, doanh thu bán vé chỉ là một phần doanh thu của Hanoi Metro. Theo Quyết định số 25/2020/QĐ-UBND ngày 19/10/2020 của UBND TP. Hà Nội, doanh thu Hanoi Metro bao gồm: thu từ vé, trợ giá của thành phố và các nguồn thu khác (nếu có).
Công ty đặt kế hoạch trong năm 2022 đạt sản lượng 89.275 lượt tàu, tạo ra doanh thu vận chuyển hành khách (bán vé) hơn 76 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, Hanoi Metro phải phục vụ gần 21.800 lượt khách với gần 250 lượt chạy tàu để hoàn thành chỉ tiêu nói trên. Hanoi Metro cũng đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu kế hoạch năm 2022 là 476 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ 6 tháng được công bố, Hanoi Metro mới đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 28,6 tỷ đồng, hoàn thành 37% kế hoạch năm.
Năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu đạt doanh thu vận chuyển hành khách (bán vé) hơn 76 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 6 tháng, công ty mới đạt doanh thu khoảng 28,6 tỷ đồng và lỗ tới 43 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo này, giá vốn hàng bán lên tới hơn 65 tỷ đồng, trong đó, chi phí cho nhân công lớn nhất, lên tới hơn 37 tỷ đồng, tương đương chiếm gần 57% tổng chi phí vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí khác, luỹ kế 6 tháng, Hanoi Metro lỗ tới 43 tỷ đồng.
Tiếp tục duy trì sản lượng và doanh thu vé tháng tăng trưởng qua từng tháng, bình quân khoảng 20% và có xu hướng tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ vận tải hành khách của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đạt hơn 53 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2021 của Hanoi Metro, số lỗ luỹ kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2021 là 159 tỷ đồng.
Vẫn biết “Vạn sự khởi đầu nan”, mọi sự khởi đầu đều không tránh khỏi những khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với khả năng chuyên chở khối lớn, tốc độ khai thác cao và ổn định gấp hơn 2 lần so với xe buýt, đường sắt đô thị được người dân rất đón nhận và đang trở thành một dịch vụ đi lại nhanh chóng, thuận tiện, an toàn cho người dân Thủ đô.
Cùng với đó, với lợi thế chạy trên đường riêng, không giao cắt đồng mức với hệ thống giao thông đường bộ trong thành phố nên đường sắt đô thị loại bỏ hoàn toàn xung đột với các phương tiện giao thông khác, đây cũng là lý do metro Cát Linh - Hà Đông đang dần cạnh tranh với các phương tiện cá nhân khác, khiến người dân chuyển hướng sang dùng đường sắt đô thị, thay vì đi xe máy hay ô tô cá nhân.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km.
Dự kiến, khi mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng tới 35-45% từ mức 18% hiện nay.
Đồng thời, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%, từ đó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.