Việc Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, thừa nhận trong cuộc họp
báo hôm 15/3 rằng có khả năng chiếc máy bay mang số hiệu MH370 đã đổi
hướng bay, cũng như bay thêm nhiều tiếng kể từ khi mất liên lạc tại vị
trí biên giới không lưu Malaysia - Việt Nam, đã khiến cộng đồng mạng tại
Việt Nam nổi sóng.
Nổi sóng là bởi, nếu thông tin này được
công bố sớm hơn, Việt Nam và nhiều nước khác có lẽ đã giảm được khá
nhiều nỗ lực tìm kiếm vừa tốn kém thời gian và chi phí, vừa tiềm ẩn rủi
ro.
Bên cạnh những ý kiến chỉ trích công tác truyền thông của
Malaysia, có cả những ý kiến cho rằng Việt Nam đã quá nôn nóng trong
công tác tìm kiếm.
Nhưng liệu có nên nhìn nhận sự việc như vậy?
Vị thế quốc gia
Một
bà mẹ bị lạc con giữa một siêu thị đông người, phản ứng đầu tiên là túm
lấy mọi manh mối, hốt hoảng tìm tại những điểm khả nghi, gọi điện cho
công an, cho người thân, hoặc đơn giản là đứng một chỗ gào khóc. Không
phải lựa chọn nào lúc đó cũng là sáng suốt.
Thủ tướng Malaysia,
ông Najib Razak, hẳn đã có những ngày khó ngủ kể từ khi nhận tin máy bay của hãng hàng không quốc doanh Malaysia Airlines
mất tích sáng 8/3. Tháng 5/2013, Liên minh Mặt trận Dân tộc do ông đứng
đầu, cho dù thắng cử lần thứ 13 liên tiếp trong gần 60 năm qua tại
Malaysia, nhưng không giống như quá khứ, đó là một chiến thắng khó khăn,
và sự săm soi của phe đối lập nói riêng và áp lực từ dân chúng nói
chung hiện là không thể xem nhẹ.
Chính vì thế, thật khó trách nếu
ông đôi khi cũng đã ứng xử như cách của một bà mẹ lạc con: bấu víu vào bất
cứ hy vọng và manh mối nào dù chưa rõ ràng; và một trong những hy vọng
ấy đến từ chứng cứ quan trọng nhất là thời điểm MH370 chính thức mất
liên lạc, dẫn tới các nỗ lực tìm kiếm quốc tế sau đó.
Cho dù việc
điều động lực lượng có vẻ hạn chế, trên thực tế Malaysia cũng đã triển
khai tìm kiếm trên khu vực giáp ranh mà Việt Nam đã tích cực tham gia,
song song với các hướng khác. Nhưng, như rất nhiều tình huống mà truyền
thông quốc tế đang đặt giả thuyết trong hai ngày qua, có thế Malaysia
đang có những áp lực nội tại. Đúng là sẽ tốt hơn nếu phía Malaysia công
bố thông tin “máy bay chuyển hướng” sớm hơn, song khi thông tin chưa đầy
đủ và câu chuyện vẫn đang tiếp diễn, việc lên tiếng trách cứ là hơi vội
vàng.
Về phía Việt Nam, trên thực tế chúng ta đã làm gì?
Ngay
trong ngày 8/3, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng và các phó thủ tướng
Chính phủ về việc việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho công tác tìm
kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan,
đơn vị thuộc Bộ phối hợp với lực lượng của Quân chủng Phòng không -
Không quân, Quân chủng Hải quân triển khai phương án phối hợp tìm kiếm
tại khu vực máy bay mất liên lạc.
Cho đến chiều tối 15/3, theo
thông tin từ Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội
Nhân dân Việt Nam, Việt Nam đã triển khai lực lượng tìm kiếm đầu tiên,
lớn nhất với 11 máy bay và 7 tàu cùng lực lượng trên bộ như quân khu 5,
7, 9, lực lượng biên phòng, nhân dân địa phương, tàu đánh cá...
11
máy bay và 7 tàu của Việt Nam được huy động như thủy phi cơ DHC-6, trực
thăng Mi-171 chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn, máy bay vận tải AN26, máy
bay tuần thám biển CASA, các loại tàu của hải quân, cảnh sát biển, trong
đó có cả tàu nghiên cứu biển thuộc loại hiện đại nhất Đông Nam Á.
Trong
nhiều thời điểm, các thống kê cho thấy sự huy động lực lượng từ phía
Việt Nam là vượt trội so với các nước trong khu vực, đặc biệt là so với
chính Malaysia.
Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, “đây là lần Việt
Nam triển khai lực lượng tìm kiếm với quy mô lớn nhất và phương tiện
hiện đại nhất. Hiện chưa tính hết chi phí cho việc tìm kiếm lần này
nhưng chúng ta đã hành động với mục tiêu cao nhất là làm sao nhanh chóng
tìm kiếm được máy bay mất tích, cứu người”.
Truyền thông thời hội nhập
Không
chỉ là câu chuyện cứu hộ, sự có mặt của máy bay và tàu thủy Việt Nam
trên một vùng biển rộng lớn trong nhiều ngày là chỉ dấu của một quốc gia
tự tin: thay vì chỉ biết đón nhận những đồng vốn tài trợ của cộng đồng
quốc tế như trong nhiều năm qua, Việt Nam giờ đây cũng có thể chi tiêu
cho những hoạt động quốc tế.
Thay vì thụ động ngồi chờ, Việt Nam chủ động tiến hành những hoạt động mà mình cho là cần thiết.
Thay
vì lo lắng cho những sự có mặt không mong muốn từ nhiều lực lượng nước
ngoài trên hải phận và không phận, người dân Việt Nam có thể tin tưởng
là các cơ quan chức năng của nước nhà đang có sự hiện diện và giám sát
đầy đủ ở đó.
Chính vì vậy, cho dù chi phí thực tế có thể lên tới
hàng triệu USD, người viết không nghĩ rằng điều đó là phí phạm. Việt Nam
có lẽ nên hài lòng vì đã cho thấy mình như một quốc gia giàu trách
nhiệm, một “người chơi” văn minh và lịch lãm trong cộng đồng - điều vô
cùng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần sự ủng hộ của cộng
đồng quốc tế trong nhiều vấn đề song phương và đa phương...
Trong khi tệ lãng phí diễn ra ở khắp nơi, cần chia sẻ với Chính phủ rằng những khoản cần chi vẫn phải chi.
Nhưng
chút tiếc nuối đáng kể nhất có lẽ là hoạt động truyền thông cho đợt tìm
kiếm này. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thắc mắc, vì sao khi Việt
Nam huy động lực lượng lớn như vậy, trong nhiều thời điểm, các bản tin
từ các hãng truyền thông quốc tế lớn lại không có nhiều trích dẫn từ
Việt Nam.
Giới truyền thông, cả trong nước và quốc tế, đã làm
việc theo hướng chủ động tìm kiếm thông tin hơn là được hỗ trợ. Một tuần
qua, cho dù các cuộc họp báo được tổ chức đều đặn, sẽ tốt hơn nếu chính
Việt Nam chủ động cung cấp các bản tin cho giới báo chí quốc tế ùn ùn đổ về. “Chi phí” cho việc này, trả
cho một vài chuyên viên truyền thông chuyên nghiệp, biên dịch và e-mail
thông tin, hình ảnh liên tục cho các nhà báo, có lẽ không quá
lớn.
Biển cả bao la, trong thời điểm mọi chuyện chưa rõ ràng,
chính hoạt động tìm kiếm cũng tiềm ẩn rủi ro như đã từng xảy ra trong
nhiều thảm họa khác. Nhiều phi công, thủy thủ Việt Nam đã làm việc căng
thẳng suốt một tuần qua, và họ rất xứng đáng nhận những cái vỗ tay từ
đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Chưa phải là quá muộn để
những hình ảnh, những câu chuyện về những con người thầm lặng ấy được
đưa đến với truyền thông quốc tế, để có thể chuyển tải đầy đủ hơn nữa
thông điệp đã phân tích ở phần trên: Xin chào, chúng tôi đến từ Việt
Nam, một quốc gia giàu trách nhiệm với cộng đồng!
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate