Theo Thông tư số 11/2022/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 265/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện.
Thông tư quy định lệ phí gia hạn, cấp lại giấy phép bằng 20% mức lệ phí cấp giấy phép; lệ phí sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép: mức thu bằng mức lệ phí cấp giấy phép.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép không phải ấn định lại tần số hoặc phải ấn định lại tần số theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành mức thu bằng 20% mức lệ phí cấp giấy phép.
Người nộp phí được miễn phí sử dụng tần số vô tuyến điện trong các trường hợp sau: Đài vô tuyến điện của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam thuộc diện ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; Đài vô tuyến điện thuộc mạng điện báo hệ đặc biệt phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; Đài vô tuyến điện chỉ phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng sử dụng tần số cho mục đích an ninh, quốc phòng theo quy định tại Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện;
Ngoài ra, Đài vô tuyến điện phục vụ nhiệm vụ phòng chống thiên tai, lụt bão sử dụng các tần số cho mạng thông tin phòng chống thiên tai, lụt bão; Đài vô tuyến điện sử dụng tần số cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu nạn theo quy định; Đài vô tuyến điện phục vụ trực tiếp việc tìm kiếm, cứu nạn thuộc Hệ thống tổ chức tìm kiếm, cứu nạn của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; Đài vô tuyến điện của các tổ chức từ thiện phục vụ hoạt động nhân đạo… cũng được miễn phí sử dụng tần số vô tuyến.
Bên cạnh đó, còn có Đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá; thiết bị đầu cuối vệ tinh phục vụ mục đích giám sát hành trình tàu cá; thiết bị vô tuyến điện hoạt động trên các băng tần quy hoạch cho phương tiện nghề cá đặt trên tàu; Đài truyền thanh không dây cấp xã; Máy phát thanh, phát hình phát sóng chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu, phát với công suất từ 100w trở xuống trên địa bàn các huyện nghèo, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao theo quy định của Nhà nước; Máy phát dự phòng có cùng tần số phát, cùng vị trí ăng ten và công suất phát ERP nhỏ hơn hoặc bằng máy phát sóng chính đã được cấp phép.
Thông tư nêu rõ tổ chức, cá nhân chỉ được nhận giấy phép sau khi đã nộp đủ lệ phí cấp, gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép và nộp đủ lần thứ nhất phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định, tổ chức thu phí, lệ phí thực hiện kê khai phí, lệ phí theo tháng, quyết toán theo năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2022.
Sau hơn 10 năm triển khai Luật Tần số Vô tuyến điện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý và phát triển của thông tin vô tuyến, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến sử dụng hiệu quả phổ tần số; Thủ tục cấp phép đã được đơn giản hóa triệt để, cấp phép điện tử đạt tỷ lệ cao trung bình mỗi năm đạt khoảng 70%. Hiệu quả của công tác quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh đã được tăng cường, trong đó phải kể đến vai trò của các cơ quan đầu mối quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Hơn nữa, công tác bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh được thực hiện, với việc đăng ký thành công tần số và quỹ đạo để phóng vệ tinh Vinassat-2, Redsat-1, Micro dragaon cũng như việc đăng ký thành công hàng ngàn tần số, trong đó có tần số tại vùng biển Trường Sa.
Công tác quản lý tương thích điện từ, chất lượng phát xạ vô tuyến điện đạt được thành quả ban đầu với hơn 120 quy chuẩn kỹ thuật đối với thiết bị vô tuyến điện được ban hành và hàng chục nghìn trạm gốc thông tin di động đã được kiểm định về an toàn bức xạ vô tuyến điện.