Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Thông tư quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.
Theo dự thảo, chỉ các nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được, phục vụ trực tiếp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục quy định mới được miễn thuế nhập khẩu. Căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cụ thể, danh mục 29 sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện như: Thiết bị, phần mềm mạng viễn thông 5G và các thế hệ sau; thiết bị, phần mềm nền tảng IoT; thiết bị đầu cuối thông minh thế hệ mới, thiết bị truyền dẫn, đầu cuối Internet cố định;
Ngoài ra, các thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm cho giáo dục; camera thông minh, camera AI và các phần mềm phân tích, xử lý và quản lý dữ liệu thu được từ camera; sản phẩm vi mạch (IC) cho viễn thông, công nghệ thông tin, IoT; sợi quang, cáp quang và các thiết bị truyền dẫn, kết nối trong thông tin quang; thiết bị, phần mềm nền tảng định danh và xác thực điện tử; thiết bị và phần mềm của hệ thống điện toán đám mây… cũng nằm trong danh mục miễn thuế nhập khẩu linh kiện.
Được biết, hồ sơ, thủ tục miễn thuế thực hiện theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 và Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 10/2022/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2018/TT-BTTTT ngày 15/10/2018 quy định danh mục sản phẩm an toàn thông tin mạng nhập khẩu theo giấy phép và trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin mạng.
Thông tư 10/2022/TT-BTTTT nêu rõ bãi bỏ "Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng (bản sao)" trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu. Đối với việc nộp hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu thông qua hình thức trực tuyến, thực hiện tại Cổng dịch vụ công https://dichvucong.mic.gov.vn hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đáng chú ý là việc rút ngắn thời gian thẩm định và trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc. Thông tư 10/2022/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 15/9/2022.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục đối với các sản phẩm bảo đảm được một trong những yêu cầu:
- Thị trường trong nước có nhu cầu lớn và tạo giá trị gia tăng cao;
- Có tiềm năng xuất khẩu;
- Có tác động tích cực về đổi mới công nghệ và hiệu quả kinh tế đối với các ngành kinh tế khác;
- Đáp ứng được yêu cầu về quốc phòng, an ninh.