Tập đoàn tư vấn The Harris Group của Mỹ trong một cuộc khảo sát mới đây đã chỉ ra: người tiêu dùng dần không còn hứng thú với việc tích lũy tài sản. Thực tế này đã dẫn đến sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của một xu thế mới: nền kinh tế thuê bao. Việc đăng ký thuê bao một loại hình sản phẩm, dịch vụ giúp người tiêu dùng không cần sở hữu tài sản mà vẫn được tận hưởng đầy đủ, thậm chí nhiều hơn những tiện ích với số tiền bỏ ra ban đầu không quá lớn.
NGUYÊN NHÂN KINH TẾ VÀ TÍNH TIỆN DỤNG
Sau đại dịch, thị trường tiêu dùng thế giới dường như đang theo trào lưu thuê bao. Trước đó, người tiêu dùng đã từng biết đến dịch vụ thuê bao quần áo, thuê bao ô tô, thuê bao xem phim MoviePass… Giờ đây, Tien Tzuo, người sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) của Zuora Inc. - một nhà cung cấp nền tảng quản lý thuê bao với hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn thế giới, cho biết người tiêu dùng ngày càng quen với mô hình thuê bao sau sự nổi lên của các cái tên như Netflix trong lĩnh vực video/phim ảnh và Spotify trong lĩnh vực âm nhạc.
Một công ty chuyên cho thuê đồ tên là Fat Llama tại London, Anh cho biết trong khoảng thời gian từ cuối năm 2022 đến tháng 5/2023, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty đã tăng thêm 500 người/tuần. Các sản phẩm cho thuê rất đa dạng từ đồ gia dụng, xe ô tô, quần áo, thậm chí cả thú cưng. Tại Mỹ, dịch vụ cho thuê đồ Huges cung cấp một chiếc máy giặt với giá thuê 2,77 USD/tuần hoặc 144 USD/năm, trong khi giá bán máy giặt trên thị trường giao động 219 USD – 300 USD. Một trang web khác có tên Forbes Rental niêm yết mức giá 10,99 USD/tuần cho một smart tivi đến từ Samsung.
Tại Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đăng ký thuê bao có phần chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, một phần do các rào cản về mặt pháp lý. Tuy nhiên, số lượng công ty bị thu hút bởi mô hình kinh doanh này đang tăng lên khi nhiều người tiêu dùng yêu thích việc được sử dụng sản phẩm tốt với mức giá tiết kiệm. Theo một phóng sự của kênh FNN, có những gia đình hầu như đi thuê tất cả mọi thứ từ bàn ghế, rèm cửa sổ, đèn chiếu sáng đến tủ đựng chén bát.
Bên cạnh nguyên nhân kinh tế, lý do quan trọng hơn cả khiến nhiều gia đình lựa chọn lối sống như vậy là tính tiện dụng. Ví dụ, các gia đình có con nhỏ thường có nhu cầu thay đổi đồ dùng trong nhà sao cho phù hợp với quá trình phát triển của con, trong khi ưu điểm dịch vụ này là cho phép khách hàng thay đổi sản phẩm theo mong muốn. Theo Viện nghiên cứu Yano, thị trường dịch vụ thuê bao của Nhật Bản hiện diện trong 8 ngành, ước tính đạt 777,80 tỷ Yen trong năm tài khóa 2021 và dự đoán đạt 862,35 tỷ Yen trong tài khóa 2023, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Tại thị trường Hàn Quốc, cách thức mà Coway - thương hiệu máy lọc nước và máy lọc không khí nổi danh - đã làm để “đặt chân” vào xu hướng kinh doanh này là chú trọng vào việc sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp, sau đó tạo cơ hội cho khách hàng được trải nghiệm bằng cách thuê sản phẩm trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhờ đó, Coway đã có một kết quả kinh doanh ấn tượng, ngay cả trong giai đoạn khó khăn của đại dịch. Đại diện Coway cho biết, trong năm 2020, thương hiệu đã ghi nhận lợi nhuận hàng năm ở mức 3.237,4 tỷ won, tăng 7,2% so với năm 2019.
Mới đây, chương trình thuê bao robot hút bụi và máy lọc không khí cũng đã được Electrolux triển khai tại Thụy Điển, người dùng có thể trả phí theo từng tháng. Ông James Ostridge, đại diện từ Electrolux, tuyên bố rằng họ nhận thấy hành vi người tiêu dùng đang có sự thay đổi, hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn, nơi mà giá trị của sản phẩm được duy trì càng lâu càng tốt. Không chỉ vậy, hiện nay có một số thị trường còn có xu hướng xem trọng “quyền sử dụng” hơn là “quyền sở hữu”. Đó là nền tảng để Electrolux thực hiện mô hình này, nhờ đó họ duy trì quyền kiểm soát trong suốt vòng đời sản phẩm, bảo đảm xử lý sản phẩm tốt hơn, thân thiện với môi trường hơn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2023 phát hành ngày 14-08-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam