Bán lẻ đa kênh, nghĩa là đồng thời bán trực tuyến lẫn bán trực tiếp tại cửa hàng, đang dần trở nên phổ biến do sự bùng nổ của thói quen mua sắm trực tuyến kể từ khi đại dịch bắt đầu. Xu hướng này đã dần manh nha ngay từ trước dịch. Đó là vào năm 2017, khi Amazon mua lại Whole Foods và tích hợp một loạt công nghệ tiên tiến vào trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng. Kể từ đó, nhiều nhà bán lẻ khác như Walmart cũng bắt đầu làm theo.
Và Ikea cũng không phải ngoại lệ. Vốn dĩ nổi tiếng với những showroom và các căn hộ mẫu được giám tuyển chỉn chu tại các cửa hàng hàng đầu, trong những năm gần đây Ikea cũng tích hợp triển khai những công cụ thực tế ảo để người dùng có thể “ướm” thử các món đồ nội thất vào không gian. Với tư cách là một công ty nội thất nhà ở, đây là hướng đi mà Ikea rất xem trọng, vì khách hàng luôn có nhu cầu xem thử các món đồ phù hợp như thế nào với căn nhà của mình.
Đi theo định hướng này, Ikea quyết định đầu tư mạnh với số tiền 2,2 tỷ USD cho thị trường Mỹ. Theo CEO Javi Quinones, hiện chưa rõ liệu số tiền này sẽ được phân chia thế nào cho các dự án khác nhau, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm trong giai đoạn mở rộng đầu tiên.
Tolga Oncu, người đứng đầu Ikea Retail tại Ingka Group cho biết: “Mỹ là một trong những thị trường quan trọng nhất của chúng tôi và chúng tôi nhìn thấy vô số cơ hội để phát triển ở đó, cũng như tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn với các sản phẩm và dịch vụ giá cả phải chăng. Hơn bao giờ hết, chúng tôi muốn tăng mật độ hiện diện của mình tại thị trường này, nâng cao năng lực thực hiện đơn hàng và làm cho sản phẩm của chúng tôi phù hợp hơn nữa với nhu cầu và ước mơ của khách hàng địa phương”.
Ikea dự kiến sẽ mở thêm 8 cửa hàng, cùng 9 điểm “Plan & Order” - phiên bản nâng cấp của loại cửa hàng “Planning Studios” mà Ikea đang triển khai. Tại đây, khách hàng được chuyên gia tư vấn, lựa chọn những món đồ phù hợp với không gian nhà ở của họ. Sau khi tham khảo, khách hàng sẽ quyết định có đặt hàng hay không. Nếu có thì Ikea giao thẳng hàng từ kho về nhà khách. Còn các món đồ tại những cửa hàng này chỉ dùng cho mục đích trưng bày, không để bán.
Ngoài ra, Ikea sẽ xây dựng 900 địa điểm Nhận hàng, nơi khách hàng có thể nhận hàng đã mua trực tuyến. Năm ngoái, Ikea Mỹ đã lập thêm 15 địa điểm Nhận hàng và 2 trạm “Plan & Order” để giúp Ikea dễ tiếp cận hơn với khách hàng. Theo ông Quinones, các mô hình cửa hàng mới này sẽ được mở song song, chứ không phải là một giải pháp thay thế cho những cửa hàng tiêu điểm vốn đang hiện hữu. Có vẻ cửa hàng “Plan & Order” đầu tiên sẽ được mở trong năm nay ở Arlington, Virginia. Sau đó sẽ có thêm nhiều địa điểm khác được triển khai.
Ông Quinones cho biết Ikea có thể mở các cửa hàng mới ở nơi đã có hoặc chưa có những cửa hàng Ikea truyền thống, miễn sao phục vụ được mục đích là “trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng”. Còn một phần khác của khoản đầu tư 2,2 tỷ USD này là hiện đại hóa các cửa hàng, phát triển bền vững, giảm thiểu khí thải nhà kính. Chẳng hạn họ sẽ cải thiện hiệu năng sử dụng năng lượng, lắp đặt các tấm pin mặt trời và phát triển xe điện. Mục tiêu là đến năm 2025, Ikea có thể giao hàng tận nhà thông qua xe điện.
Neil Saunders, Managing Director tại công ty tư vấn GlobalData, cho biết khoản đầu tư ở quy mô của Ikea sẽ khiến các nhà bán lẻ khác phải dè chừng. “Là nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới, Ikea có quy mô và khối lượng kinh tế cho phép hãng mang lại giá trị mà ít hãng khác có thể sánh được. Việc mở rộng là mối đe dọa tiềm ẩn đối với Wayfair, At Home và nhiều nhà bán lẻ nội thất khác.
Mặc dù sẽ mất thời gian để Ikea thực hiện các kế hoạch của mình, nhưng rõ ràng là một gã khổng lồ ngủ quên trước đây đã thức dậy và đang có ý định tạo dấu ấn của mình”, ông Saunders nói, và cho biết thêm mặc dù Mỹ là một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của Ikea, nhưng phạm vi tiếp cận của công ty ở đó luôn tương đối kém so với các thị trường cốt lõi ở châu Âu.
Trước đó, ông Jesper Brodin, Giám đốc điều hành Ingka Group, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng Ikea cho biết lo ngại lạm phát và suy thoái kinh tế đang khiến các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu. Do đó, các chiến dịch và chương trình giảm giá trên các dòng sản phẩm phổ biến nhằm giữ chân khách hàng sẽ đóng vai trò chủ lực trong năm nay. Giám đốc Brodin cho biết số lượng khách hàng và doanh số bán hàng đã tăng lên trong năm tài khóa tính đến tháng 8/2023.
Ông Brodin nói: “Chúng tôi đang chứng kiến số lượng khách hàng và doanh số bán hàng ngày càng tăng từ cuối mùa Xuân, sang mùa Hè và vẫn đang tiếp tục”. Ông Brodin nói thêm rằng việc sử dụng các chiến dịch khuyến mãi sẽ chỉ là một sáng kiến tạm thời. Dự kiến, trong một hoặc hai năm tới, Ikea sẽ một lần nữa xem xét nhiều hơn các khoản đầu tư trung và dài hạn vào giá cả. Ông Brodin từ chối cho biết liệu giá trung bình tăng hay giảm trong tài khóa hiện tại và chỉ cho biết thêm giá cả sẽ khác nhau giữa các thị trường và tùy thuộc vào loại sản phẩm.
Theo BusinessWire, quy mô thị trường thương mại điện tử nội thất năm 2021 được định giá 27,74 tỷ USD và được dự đoán sẽ đạt 40,74 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ước tính là 4,4% trong khoảng thời gian từ 2022 - 2030. Trong khi tất cả các thương hiệu bán lẻ nội thất đổ xô vào thương mại điện tử thì Ikea lại đầu tư 3 tỷ USD mở loạt cửa hàng vật lý tại các thành phố lớn ở Anh, Đức, Pháp và Mỹ vào năm ngoái.
“Cửa hàng trung tâm không lớn và cũng không đầy đủ, song chúng mang lại sự tiện lợi, khách hàng có thể mua và mang về ngay những món đồ nhỏ, và với món đồ cồng kềnh chỉ cần đặt hàng trực tuyến, nhân viên Ikea phục vụ tận nơi”, ông Saabira Chaudhuri chia sẻ.
Trên thực tế, Ikea cũng không từ chối thương mại điện tử, mà trái lại, thương hiệu thậm chí đã tuyển dụng Barbara Martin Coppola – một “cựu binh” của Google, Samsung và Texas Instruments đảm nhận vị trí Giám đốc kỹ thuật số (CDO) – để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại một cách khéo léo và kịp thời đã giúp tối ưu hóa khả năng tiếp cận của khách hàng. Một trong những lý do mà Ikea chi lớn cho chiến lược kép, hay xu hướng bán lẻ đa kênh này, xuất phát từ tâm lý của con người muốn đi ra ngoài, gặp gỡ, tiếp xúc, trải nghiệm thực tế - là những điều mà thương mại điện tử không thể mang lại.
Nhờ chiến lược kép đúng đắn, Ikea đã đạt mức doanh thu từ 45 - 50 tỷ USD từ năm 2019 đến nay, có mặt trên toàn châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Úc và Châu Á.