April 16, 2015 | 07:20 GMT+7

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương: Vẫn hai phương án

Nguyễn Lê

Cân lên đặt xuống nhiều lần, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa thể “chốt”

Ưu điểm của việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án hai, 
theo báo cáo là sẽ tạo nên sự đổi mới bước đầu trong tổ chức chính quyền
 địa phương.
Ưu điểm của việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án hai, theo báo cáo là sẽ tạo nên sự đổi mới bước đầu trong tổ chức chính quyền địa phương.
Cân lên đặt xuống nhiều lần, mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn chưa thể “chốt” tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cả ngày 16/4, các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số vấn đề lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án luật này. Phiên thảo luận được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để các vị ở địa phương có thể được tham gia ý kiến.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, do các ý kiến còn rất khác nhau, người muốn giữ nguyên, người đề nghị phải thay đổi nên vẫn báo cáo hai phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.

Cụ thể, phương án một: tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân) nhưng làm rõ những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Khá nhiều ưu điểm của phương án này được nêu tại báo cáo. Như bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, thể hiện chính quyề gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân...

Bên cạnh chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ, hạn chế của phương án một còn là chưa tiếp thu được các kết quả tích cực của việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, huyện, phường theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, “hiện tại, đa số các ý kiến tán thành với phương án một”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Với phương án hai, các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức ủy ban nhân dân để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Theo đó, cách thức thành lập ủy ban nhân dân phường có thể có hai lựa chọn. Hoặc là chủ tịch ủy ban nhân dân phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Phó chủ tịch, ủy viên ủy ban nhân dân phường do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của chủ tịch ủy ban nhân dân phường.

Cách khác là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ủy ban nhân dân phường do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Ưu điểm của việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án hai, theo báo cáo là sẽ tạo nên sự đổi mới bước đầu trong tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời tạo điều kiện cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền ở đô thị một cách hiệu quả và phù hợp hơn.

Nguy cơ dẫn đến tình trạng chính quyền xa dân, quan liêu ở những nơi không tổ chức hội đồng nhân dân được xem là hạn chế của phương án này.

Về chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự thảo luật quy định vẫn có cả hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tại đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate