July 27, 2023 | 18:13 GMT+7

Mở hướng phát triển kinh tế rừng từ “vương mộc” đàn hương

Hoài Phương -

Đàn hương là giống cây được Bộ NN&PTNT công nhận là cây lâm nghiệp tại Việt Nam từ năm 2019. Các bộ phận của cây đàn hương từ lá, lõi gỗ, rễ cây đến hạt cây đều có giá trị kinh tế cao...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gỗ đàn hương là một trong những loại gỗ đắt nhất thế giới: một kg lõi gỗ Đàn hương Ấn Độ có giá khoảng 200 USD. Bột gỗ đàn hương trộn với nước, sữa chua hoặc mật mong thành hỗn hợp sền sệt, khi thoa có tác dụng làm mát; nó chữa lành vết cháy nắng, mụn trứng cá, phát ban, sốt, lở loét... Nhưng trên tất cả, hương thơm độc đáo, bền lâu khiến nó được mọi người săn đón và mê đắm. Và khi hương thơm đó được chưng cất thành dầu, một lít dầu gỗ Đàn hương có thể lên tới 4.500 USD.

“THUỐC VÀNG” CHO SỨC KHỎE

Mọi người biết đến dầu gỗ đàn hương nhiều nhất như là một thành phần quan trọng để dùng trong nước hoa, xà phòng và nhang. Trong khi nhiều loại tinh dầu đến từ lá và hoa thì tinh dầu gỗ đàn hương lại được chiết xuất từ phần lõi trong thân cây. Bên cạnh đó, quá trình làm ra loại tinh dầu này cũng không hề dễ dàng. Do vậy, chúng ta rất dễ hiểu vì sao một lọ tinh dầu gỗ Đàn hương chất lượng sẽ có giá thành cao hơn so với các loại dầu thông thường khác.

Dầu gỗ đàn hương chứa hai thành phần hoạt động chính là Alpha và Beta-santalol. Những phân tử này sẽ tạo ra mùi thơm mạnh, đầy quyến rũ. Alpha-santalol được đánh giá cao bởi nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, giảm viêm và giúp giảm sự phát triển của ung thư da, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư vú... Ngoài ra, tinh dầu gỗ đàn hương có lợi đáng kể trong việc thúc đẩy khả năng sinh sản, hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tuần hoàn.

Một trong những lợi ích chính của gỗ đàn hương là thúc đẩy sự minh mẫn của tinh thần khi được sử dụng trong liệu pháp mùi hương hoặc nước hoa. Do vậy, những người tập luyện thiền định, yoga rất yêu thích loại dầu này. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế Planta Medica đã đánh giá tác dụng của dầu gỗ Đàn hương đối với sự chú ý và tinh thần hứng khởi. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hợp chất chính gỗ đàn hương – Alpha-santalol giúp não bộ tập trung hơn nhưng đồng thời vẫn giúp bạn bình tĩnh.

Cây đàn hương có ưu thế tận dụng được tất cả các bộ phận của cây từ: lõi gỗ, rễ cây, lá cây, hạt và rác gỗ nên mang lại giá trị kinh tế cao.
Cây đàn hương có ưu thế tận dụng được tất cả các bộ phận của cây từ: lõi gỗ, rễ cây, lá cây, hạt và rác gỗ nên mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, tinh dầu đàn hương là một chất làm se nhẹ nhàng, giúp các mô liên kết với nhau. Nhiều sản phẩm chăm sóc da sử dụng tinh dầu chiết xuất từ loại gỗ này để làm dịu, se khít lỗ chân lông cũng như làm sạch. Còn theo một đánh giá khoa học có tiêu đề “Sandalwood Album Oil as a Botanical Therapeutic in Dermatology” (Dầu gỗ đàn hương như một liệu pháp thực vật trong da liễu), các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tinh dầu gỗ đàn hương có khả năng giúp cải thiện tự nhiên mụn trứng cá, bệnh chàm, bệnh vẩy nến, mụn cóc thông thường và bệnh nhuyễn thể. Nếu bị đau họng, bạn cũng có thể súc miệng bằng một cốc nước pha một vài giọt dầu gỗ đàn hương để mau lành bệnh hơn.

CÂY TRỒNG CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO

Thực tế, ngoài tinh dầu, cây đàn hương có rất nhiều giá trị sử dụng. Lõi gỗ được dùng để sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng nội thất cao cấp; sản xuất mỹ phẩm dưỡng da. Rễ cây được nghiền ra lấy bột sử dụng nhiều trong công nghệ làm đẹp. Giác gỗ và cành nhỏ được nghiền lấy bột sử dụng chăm sóc da. Lá cây được chế biến thành trà, nước uống cao cấp. Quả và hạt được dùng để ăn, chiết xuất tinh dầu…

Trong khi nhiều loại tinh dầu đến từ lá và hoa thì tinh dầu gỗ đàn hương lại được chiết xuất từ phần lõi trong thân cây.
Trong khi nhiều loại tinh dầu đến từ lá và hoa thì tinh dầu gỗ đàn hương lại được chiết xuất từ phần lõi trong thân cây.

Trên thị trường Ấn Độ hiện nay, 1 kg lõi gỗ đàn hương có giá khoảng 200 USD, sang tới thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Arab, giá bán lẻ có thể lên tới 500 USD. Trong công nghệ sản xuất mỹ phẩm, giá bột lõi gỗ cành đàn hương tại thị trường Việt Nam hiện nay khoảng 3 triệu đồng, rễ cây đàn hương có chứa rất nhiều tinh dầu, loại tinh dầu đa năng được ví như “giọt vàng”, có giá khoảng 4.500 USD/kg.

Vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi cây trồng từ những cây kém hiệu quả sang những loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn đang là hướng đi của nhiều địa phương. Cho đến nay, cây đàn hương đã được trồng khảo nghiệm tại khoảng 45 tỉnh thành tại Việt Nam và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Sau khi trồng, lõi cây đàn hương thu được tại các vùng trồng thử nghiệm cũng được các chuyên gia nước ngoài đánh giá đạt tiêu chuẩn hơn kỳ vọng. Loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này hứa hẹn mang lại sự thay đổi lớn cho người nông dân nhiều địa phương trong xu hướng thay đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình.

Tiến sĩ Vũ Thoại, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm cho biết: "Đàn hương là loại cây không khó tính, chúng thích hợp trồng ở vùng nhiệt đới, với nhiệt độ từ 7 - 40 độ C, khí hậu thổ nhưỡng Việt Nam rất phù hợp để phát triển loại cây quý này, đặc biệt là khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Khó khăn lớn nhất đến từ việc cây đàn hương rất khó nhân giống. Tỷ lệ nảy mầm của hạt giống đàn hương đủ tuổi để làm giống là rất thấp. Nếu dùng các loại hóa chất kích thích nảy mầm thông thường, cây sẽ bị ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành lõi, thậm chí không có lõi. Nếu nhân giống cây bố mẹ chưa đủ trưởng thành, cây rất dễ bị bệnh xoăn lá và phải chặt bỏ”.

Tuy nhiên, do nguồn lợi trước mắt, nhiều người đang tìm cách mở rộng diện tích trồng cây đàn hương bằng cách ồ ạt nhân giống, bất chấp chất lượng cây giống ra sao. Cây đàn hương được người dân tự nhân giống từ hạt cây do chính mình trồng, thậm chí mua hạt giống trôi nổi trên thị trường, khiến chất lượng cây đàn hương có nguy cơ vượt tầm kiểm soát. Do đó, trước khi trồng, người dân cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia về vùng trồng, mật độ trồng, cây trồng xen canh và phòng trừ sâu bệnh… Tuyệt đối không nên trồng một cách ồ ạt, theo phong trào.

Tiến sĩ Vũ Văn Thoại: Không giống như những loại cây trồng khác, cây đàn hương đòi hỏi khắt khe về mật độ trồng, cây ký chủ, đặc biệt là chất lượng và nguồn gốc giống cây giống. 
Tiến sĩ Vũ Văn Thoại: Không giống như những loại cây trồng khác, cây đàn hương đòi hỏi khắt khe về mật độ trồng, cây ký chủ, đặc biệt là chất lượng và nguồn gốc giống cây giống. 

Hiện Viện nghiên cứu cây Đàn hương và Thực vật quý hiếm hiện đã kết hợp với nhiều nhà khoa học, chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu công nghệ sản xuất trà, kem dưỡng da, dược liệu… từ lá, dầu hạt hay tinh dầu đàn hương. Nhờ vậy, dù Ấn Độ được coi là thủ phủ của Đàn hương nhưng hiện nay sản phẩm từ đàn hương của Việt Nam đã có mặt ở hệ thống siêu thị tại nước bạn, bao gồm: trà búp từ lá, trà nhúng, các loại hương nhang, đồ mỹ nghệ gỗ Đàn hương, bột đắp mặt chống lão hóa da cho phụ nữ, xà phòng, tinh dầu đàn hương…

Cũng theo Tiến sỹ Vũ Thoại, ngày nay giới khoa học nhìn nhận cây đàn hương quý nhất không phải ở giá trị kinh tế mà nó mang lại. Cây đàn hương đặc biệt còn ở chỗ nó bắt buộc phải trồng xen canh cùng các loại cây khác, tạo ra một hệ sinh thái rừng bền vững. Đàn hương còn có thể trồng xen canh với cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu... mang lại cho người trồng cả nguồn thu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt hơn nữa, cây đàn hương xanh quanh năm, không rụng lá, chịu hạn rất tốt và cần lượng nước rất ít, nó sẽ là loại cây để chống hạn hán, chống biến đổi khí hậu…

 

Mặc dù đã có định hướng lớn để phát triển nhưng “mỏ vàng” dược liệu chưa được khai thác đúng mức bởi những hạn chế và khó khăn quá trình trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm. Tọa đàm "Khai mở kho vàng dược liệu" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức vào lúc 15h00 ngày 27/07/2023 đã cùng các chuyên gia, doanh nghiệp bàn bạc, thảo luận nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành kinh tế đầy tiềm năng này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate