Chiều 21/8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 24/4/2024 của Bộ Chính trị về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới.
TẬP TRUNG XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN MỚI
Phát biểu khai mạc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nêu bật sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với ngành dầu khí. Trước những yêu cầu phát triển mới, trên cơ sở báo cáo Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng, ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 76-KL/TW đưa ra những chủ trương, quyết sách lớn nhằm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của đất nước nói chung và của ngành dầu khí nói riêng để ngành vượt qua các thách thức, phát triển bền vững. Kết luận 76-KL/TW là những định hướng chỉ đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển ngành dầu khí Việt Nam; tạo động lực mới và mở ra không gian phát triển mới cho ngành dầu khí nước ta.
Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, quy hoạch liên quan đến phát triển ngành dầu khí. Đặc biệt, hoạt động khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực trong ngành dầu khí được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, ngành dầu khí cũng còn một số tồn tại, hạn chế về việc thực hiện một số mục tiêu chiến lược, về cơ sở hạ tầng dự trữ, về tiến độ thực hiện một số công trình, dự án lớn… Những tồn tại hạn chế này vừa có nguyên nhân khách quan, vừa có một số nguyên nhân chủ quan, như vẫn còn một số hạn chế trong xây dựng cơ chế chính sách, về sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị…
Để tạo thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển trong giai đoạn mới, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các tập đoàn dầu khí Nhà nước. Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần quan tâm phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, nhất là hạ tầng số gắn với thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu, sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, để các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển ngành dầu khí đi vào cuộc sống, cần sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng cần nghiên cứu, nghiêm túc quát triệt đầy đủ, triển khai đồng bộ từ thể chế hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, đồng thời giám sát, kiểm tra kịp thời, hiệu quả.
Hội nghị cũng đã trao đổi, thảo luận, quán triệt một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần triển khai theo tinh thần của Kết luận 76-KL/TW và Nghị quyết 41-NQ/TW: Xây dựng, hình thành một số trung tâm công nghiệp năng lượng quốc gia quy mô lớn; phát triển một số doanh nghiệp dầu khí có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế gắn với vai trò dẫn đặt của các tập đoàn năng lượng nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của các tập đoàn dầu khí nhà nước; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp, nhất là hạ tầng số gắn với thực hiện chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu,...
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng trình bày báo cáo nhận diện, xác định tác động từ môi trường thế giới và khu vực, những khó khăn, thách thức cũng như đánh giá nguồn lực của PVN. Trên cơ sở định hướng trở thành Tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia, PVN đã đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ.
Đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã trình bày tham luận về yêu cầu đặt ra và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần tập trung tổ chức thực hiện những chủ trương, định hướng phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW và Kết luận 76-KL/TW.
Các đại biểu thống nhất cho rằng các cấp ủy đảng cần nghiên cứu, nghiêm túc quát triệt đầy đủ, thực hiện triển khai đồng bộ từ thể chế hóa, xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan, đồng thời với công tác giám sát, kiểm tra thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Trước mắt, các tập đoàn dầu khí nhà nước cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển mới, thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại theo định hướng bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ hiệu quả cho sản xuất và tiêu dùng, bình ổn thị trường. Các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực ngành dầu khí tập trung triển khai thực hiện đầu tư các dự án ngành dầu khí được giao quản lý phù hợp các quy hoạch, kế hoạch liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ dự án và hiệu quả đầu tư…
ĐỘT PHÁ VÀO NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO, NĂNG LƯỢNG MỚI
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá một số thành tựu nổi bật của ngành dầu khí và các tập đoàn Nhà nước, đồng thời phân tích bối cảnh quốc tế và một số tác động chính đến ngành trong thời gian tới, đặc biệt là bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh.
Trên cơ sở Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện và lưu ý một số vấn đề trọng tâm về hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững ngành dầu khí, bảo đảm đồng bộ với Luật Dầu khí và pháp luật có liên quan. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh thu hút đầu tư; triển khai thực hiện các giải pháp về tài chính, xây dựng các phương án bảo đảm nguồn vốn; thực hiện quy hoạch phù hợp để chủ động giành quỹ đất phát triển hạ tầng ngành dầu khí.
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu bật những đóng góp to lớn của ngành dầu khí trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời nhấn mạnh, vai trò của ngành dầu khí ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Các tập đoàn dầu khí nhà nước như PVN, Petrolimex khẳng định được vai trò, phát triển ổn định và ngày càng lớn mạnh, là trụ cột quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, những khó khăn, thách thức cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành dầu khí nếu kịp thời nắm bắt và phát huy được thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng với xu thế chuyển dịch năng lượng, ngành dầu khí cần chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đây là hướng phát triển mang tính đột phá; đảm bảo phát triển ngành dầu khí bền vững, hiện đại gắn với thúc đẩy nhanh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đồng thời với phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tiên tiến, hiện đại theo hướng nâng cao năng lực tự chủ, tự cường, tăng cường tỷ lệ nội địa hóa.
Ngành dầu khí cũng cần chú trọng thu hút, khuyến khích đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các định chế tài chính quốc tế; quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với chính sách thu hút nhân tài, đào tạo chuyên sâu đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế.
Các cấp ủy đảng ở Trung ương và địa phương, đảng ủy các tập đoàn năng lượng Nhà nước cần quán triệt, nhất quán trong đường lối chính sách, con đường đi tới và triệt để trong thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, Kết luận 76-KL/TW, Nghị quyết 38/NĐ-CP. Các địa phương cần quan tâm phát triển lĩnh vực năng lượng, dựa trên thế mạnh và tính khả thi.
Trong quá trình thực hiện, ngành dầu khí cần xác định rõ những khó khăn vướng mắc như vấn đề thể chế, cơ chế phối hợp và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ; chấp nhận cạnh tranh; ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến; đào tạo và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số và chuyển đổi số.