August 27, 2022 | 12:36 GMT+7

Moderna trong cuộc chiến kiện tụng, lần này là với Pfizer/BioNTech

Hoài Phương -

Moderna cáo buộc Pfizer/BioNTech sao chép trái phép công nghệ mRNA mà Moderna đã được cấp bằng sáng chế từ năm 2010 đến năm 2016, trước cả khi Covid-19 xuất hiện vào năm 2019 và bùng nổ vào đầu năm 2020…

Ảnh: STAT News
Ảnh: STAT News

Reuters vừa dẫn lại thông báo Moderna đưa ra ngày 26/8 cho biết công ty này đã nộp đơn kiện Pfizer và đối tác Đức BioNTech lên Tòa sơ thẩm liên bang ở Massachusetts (Mỹ) và Tòa án Khu vực Dusseldorf ở Đức. "Chúng tôi đang nộp các đơn kiện này để bảo vệ nền tảng công nghệ mRNA mà chúng tôi là bên tiên phong, đầu tư hàng tỉ đô la để tạo ra và được cấp bằng sáng chế trong suốt thập niên trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra", Giám đốc điều hành của Stephane Bancel của Moderna cho biết trong tuyên bố.

Ngày 26/8, Moderna tuyên bố Pfizer/BioNTech đã chiếm đoạt hai loại tài sản trí tuệ. Tài sản trí tuệ thứ nhất liên quan đến cấu trúc mRNA mà Moderna nói các nhà khoa học của công ty bắt đầu phát triển vào năm 2010 và là loại mRNA đầu tiên được thông qua trong các thử nghiệm trên người vào năm 2015.

Tài sản trí tuệ thứ hai liên quan đến việc mã hóa một loại gai mà Moderna nói các nhà khoa học của công ty đã phát triển trong khi tạo ra vaccine phòng chống virus corona gây ra Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Mặc dù vaccine MERS không được đưa ra thị trường, sự phát triển của nó đã giúp Moderna nhanh chóng tạo ra vaccine ngừa Covid-19.

Pfizer cho biết công ty chưa nhận được thông báo từ tòa án và không thể bình luận vào thời điểm này.

Vaccine Moderna là sản phẩm thương mại duy nhất của công ty này.
Vaccine Moderna là sản phẩm thương mại duy nhất của công ty này.

Moderna và Pfizer/BioNTech là hai trong số những công ty đầu tiên phát triển thành công vaccine ngừa Covid-19. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech vào tháng 12/2020. Một tuần sau đó, sản phẩm của Moderna cũng được cấp phép.

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, Moderna cho biết họ sẽ không thực thi quyền sáng chế Covid-19 để giúp những công ty khác phát triển vaccine riêng, đặc biệt là cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nhưng vào tháng 3, Moderna nói họ mong đợi các công ty như Pfizer và BioNTech tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của mình. Moderna cho biết thêm sẽ không truy cứu thiệt hai trước thời điểm ngày 8/3. Giờ đây, Moderna cho biết đơn kiện nhằm xác định những thiệt hại kinh tế của công ty.

Được thành lập năm 2010 và có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts (Mỹ), Moderna là một công ty tiên phong trong công nghệ vaccine mRNA. Công nghệ này đã giúp phát triển vaccine Covid-19 với tốc độ nhanh chưa từng có. Vaccine Moderna là sản phẩm thương mại duy nhất của công ty này, đã mang lại doanh thu 10,4 tỉ USD cho công ty trong năm nay. Trong cùng giai đoạn đó, Pfizer thu được khoảng 22 tỉ USD.

BioNTech, một công ty có trụ sở tại Đức, cũng đã hoạt động trong lĩnh vực mRNA khi hợp tác với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ.
BioNTech, một công ty có trụ sở tại Đức, cũng đã hoạt động trong lĩnh vực mRNA khi hợp tác với hãng dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 11/2021, công ty Moderna và Viện y tế quốc gia Mỹ (NIH) cũng đã nảy sinh tranh chấp gay gắt về việc ai xứng đáng được ghi công vì đã phát minh ra công thức chế tạo vaccine ngừa Covid-19 đang lưu hành trên thế giới. Theo đó, vaccine Moderna được phát triển dựa trên sự hợp tác kéo dài nhiều năm giữa Công ty Moderna và Viện y tế quốc gia Mỹ (NIH) - cơ quan nghiên cứu y sinh của Chính phủ Mỹ. Lúc đầu, Chính phủ Mỹ gọi nó là "vaccine NIH-Moderna Covid-19".

Trung tâm nghiên cứu vaccine của NIH có 3 nhà khoa học tham gia nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 cùng Công ty Moderna, theo tờ New York Times. Ba nhà khoa học này đã cùng làm việc với các nhà khoa học tại công ty Moderna để thiết kế chuỗi gene thúc đẩy vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch. Chính vì vậy, NIH đề nghị 3 nhà khoa học của họ phải được cùng ghi tên trên "đơn xin cấp bằng sáng chế". Tuy nhiên, phía Moderna không đồng ý.

Đồng thời, vào ngày 1/12/2021, một tòa phúc thẩm ở Mỹ cũng đã bác bỏ đề nghị của Moderna về việc vô hiệu hóa hai bằng sáng chế quan trọng của Arbutus, cũng liên quan đến sáng chế các loại vaccine. Cụ thể, đầu năm 2018, Công ty dược phẩm sinh học Arbutus Biopharma Corp. (ABUS.O) được Văn phòng cấp bằng sáng chế liên bang cấp 2 bằng sáng chế quan trọng, đều liên quan đến các hạt nano lipid (LNP). Đây là những hạt chất béo nhỏ giúp bảo vệ vật chất di truyền, khi nó di chuyển trong cơ thể để đi vào các tế bào cụ thể nhằm phân phối thuốc. 

Công nghệ này rất hữu ích trong việc phát triển các loại vaccine dựa trên mRNA, nhằm chống lại các căn bệnh khác trong tương lai. Cũng trong năm 2018, Moderna đã kiện 2 bằng sáng chế trên trước Hội đồng kháng nghị và thử nghiệm bằng sáng chế Mỹ, một bộ phận của Văn phòng cấp bằng sáng chế liên bang. Tuy nhiên, hội đồng vẫn giữ nguyên bằng sáng chế cho Arbutus.

Vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer/BioNTech đều sử dụng công nghệ mRNA, là hai trong số những vaccine được tiêm nhiều nhất thế giới.
Vaccine Covid-19 của Moderna và Pfizer/BioNTech đều sử dụng công nghệ mRNA, là hai trong số những vaccine được tiêm nhiều nhất thế giới.

Được biết, Moderna cũng có các bằng sáng chế giống của Arbutus. Tuy nhiên, bằng sáng chế của Moderna bị giới hạn trong các lĩnh vực của một loại virus đường hô hấp được gọi là RSV, cúm A, và các virus do muỗi truyền Chikungunya và Zika. Tòa án phúc thẩm ngày 1/12 cũng đồng quan điểm với Hội đồng kháng nghị và thử nghiệm bằng sáng chế Mỹ. Tòa cho biết Moderna không có tư cách để kháng cáo phán quyết về một bằng sáng chế, vì lúc đó Moderna chưa phát triển vaccine Covid-19. Cho đến khi Moderna nộp đơn kháng cáo, đại dịch vẫn chưa bắt đầu.

Cuối cùng thì, cả Moderna và Pfizer/BioNTech đều sử dụng hạt LNP trong việc sáng chế vaccine Covid-19. Tuy nhiên, người phát ngôn của Moderna cho biết: "Moderna là công ty tiên phong về vaccine dựa trên mRNA và chúng tôi đã phát triển công nghệ LNP độc quyền của riêng mình. Công nghệ này cho phép chúng tôi thực hiện sứ mệnh tạo ra một thế hệ thuốc mới cho bệnh nhân".

Hai cuộc chiến về bản quyền trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ và nhiều quốc gia khác đang ngày càng thất vọng về những nỗ lực hạn chế của Moderna trong việc cung cấp vaccine cho các nước nghèo. Moderna đã nhận được gần 10 tỉ USD tài trợ của người đóng thuế, bao gồm 1,4 tỉ USD để phát triển, thử nghiệm vaccine và 8,1 tỉ USD để cung cấp nửa tỉ liều vaccine cho Chính phủ Mỹ. Công ty này đã ăn nên làm ra trong 2 năm đại dịch hoành hành khắp thế giới với các hợp đồng cung cấp vaccine ước tính khoảng 35 tỉ USD cho đến cuối năm 2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate