Trong khi các nhà sản xuất vaccine đang chạy đua để cải tiến các mũi tiêm thế hệ cũ với hy vọng nâng cao hàng rào miễn dịch cho mọi người vào mùa Thu năm nay, một số nhà khoa học lại theo đuổi cách tiếp cận khác. Đó chính là tạo ra vaccine Covid-19 dạng dán trên da, xịt mũi hoặc dạng viên uống.
NHỮNG VACCINE TRIỂN VỌNG MỚI
Hiện nay, hơn chục loại vaccine dạng xịt mũi đang được thử nghiệm trên toàn thế giới. Nhiều vaccine trong số này sử dụng những dạng công nghệ mới, như dẫn truyền protein gai của SARS-CoV-2 thông qua một virus vô hại khác. Những vaccine Covid-19 dạng xịt khác sử dụng công nghệ mRNA (vốn đã thành công ở vaccine dạng tiêm). Có công ty thậm chí còn tạo ra vaccine dạng viên uống để cả hệ thống đường tiêu hóa: từ mũi miệng cho tới ruột tạo ra miễn dịch.
Vaccine dạng viên uống, cùng kích cỡ như thuốc aspirin, sử dụng adenovirus (giống như công nghệ vaccine COVID-19 của Johnson& Johnson hay AstraZeneca) sẽ tạo ra những phần tử protein gai ở tế bào ruột và kích thích sản sinh ra kháng thể ở mũi và miệng. Trong thử nghiệm ban đầu trên 35 người tham gia, 46% đã tăng kháng thể ở mũi sau khi sử dụng vaccine viên uống. Có vẻ như vaccine đã tạo ra miễn dịch phổ rộng trên nhiều biến thể Covid-19 khác nhau, và có công dụng bảo vệ trong vòng 1 năm, lâu hơn so với vaccine dạng tiêm. Tuy nhiên, cần có thêm nghiên cứu để khẳng định.
Trong khi đó, theo một báo cáo khoa học công bố trên tạp chí Vaccine ngày 28/7, các kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy vaccine Hexapro sản xuất dưới dạng miếng dán có hiệu quả cao hơn gấp 11 lần trong việc chống lại biến thể Omicron so với cùng một loại vaccine này nhưng được bào chế dành cho dạng tiêm.
Khi được dán lên da, hàng nghìn vi kim trên miếng dán sẽ "tiêm" vaccine vào cơ thể. Tiến sĩ Chris McMillan làm việc tại Khoa Hóa học và Sinh vật học phân tử thuộc trường Đại học Queensland giải thích: “Miếng dán vi kim mật độ cao này là một nền tảng phân phối vaccine, giúp đưa vaccine vào các tế bào miễn dịch nằm sâu dưới da một cách chính xác".
Ngày 29/7 vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo sẽ triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trong tháng 9 tới, sử dụng loại vaccine được hiệu chỉnh để nhắm tới các dòng phụ của biến thể Omicron. Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết loại vaccine thế hệ mới sẽ nhắm mục tiêu cụ thể vào các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Hiện việc tiêm tăng cường này chỉ được áp dụng đối với những người từ 50 tuổi trở lên và những người trên 12 tuổi bị suy giảm miễn dịch.
Theo tờ Wall Street Journal, thông báo trên của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh 2 hãng dược phẩm của Mỹ là Pfizer và Moderna dự tính sẽ có thể xuất xưởng vaccine ngừa Covid-19 thế hệ mới sớm nhất vào tháng 9 tới, sớm hơn 1 tháng so với dự báo trước đó. Mỹ đã mua 66 triệu liều vaccine của Moderna và 105 triệu liều vaccine của Pfizer cho chiến dịch tiêm phòng này. Kết hợp lại, 2 thỏa thuận với Moderna và Pfizer sẽ cung cấp cho Mỹ khoảng 171 triệu liều vaccine tăng cường trong mùa Thu và mùa Đông.
KHÔNG NÊN TRÌ HOÃN TIÊM MŨI TĂNG CƯỜNG
Những thông tin cập nhật về vaccine thế hệ mới mang đến hy vọng, nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh tâm lý trì hoãn trong một bộ phận người dân. Tại Mỹ, nhiều người cho rằng thay vì đi tiêm mũi tăng cường, họ sẽ chờ đến khi có loại vaccine mới nhắm thẳng tới biến thể phụ BA.5. Cho đến nay, khoảng 261 triệu người ở Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19, nhưng chỉ có 108 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Kể từ khi cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, cho đến nay Mỹ vẫn chưa phát triển thêm loại vaccine mới nào để đưa vào sử dụng. Hiện có hơn 40 ứng cử viên vaccine Covid-19 mới đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ.
Trước tình hình này, giới chuyên gia Mỹ khuyến cáo, những người có nguy cơ trở nặng không nên chờ đến khi có vaccine thế hệ thứ hai mới tiêm các liều tăng cường. Bởi tuy số các ca nhiễm các biến thể phụ BA.1, BA.4 và BA.5 của Omicron đang gia tăng, nhưng các loại vaccine đang lưu hành vẫn có khả năng giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nặng hoặc giảm thiểu khả năng tử vong do Covid-19.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nêu rõ, virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục đột biến và hiện chưa rõ biến thể nào sẽ chiếm ưu thế vào mùa Thu Đông tới, hay loại vaccine thế hệ mới (dự kiến nhắm mục tiêu vào dòng phụ BA.4, BA.5 ở Mỹ và BA.1 ở châu Âu) có phù hợp vào thời điểm đó hay không. Với việc gia tăng các ca nhiễm hiện tại và khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian sau khi đã tiêm phòng các mũi vaccine cơ bản thì giưới chuyên gia cho rằng biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho những người có nguy cơ cao là tiêm loại vaccine hiện có.
Tiến sĩ John Moore, chuyên ngành vi sinh vật và miễn dịch thuộc trường Cao đẳng Y tế Weill Cornell cho biết tất cả các bằng chứng khoa học cho tới nay đều cho thấy loại vaccine tăng cường nhắm vào hai dòng phụ BA.4 và BA.5 có hiệu quả cao hơn "không đáng kể" so với phiên bản vaccine ban đầu. Ông nêu rõ: “Công chúng không nên coi những vaccine có chủ đích nhắm vào biến thể Omicron này như một viên đạn ma thuật nào đó giúp thay đổi cục diện đại dịch. Nó chỉ có tác động không đáng kể so với loại vaccine tăng cường mà chúng ta hiện có".
Trong khi đó, theo dữ liệu mới từ Đại học Chiang Mai của Thái Lan, vaccine Covid-19 của AstraZeneca (còn có tên là Vaxzevria) có hiệu quả trong việc ngừa nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron khi được sử dụng làm mũi bốn (liều nhắc lại thứ hai). Nghiên cứu đời thực này cho thấy hiệu quả của vaccine trước biến thể Omicron là 73% khi liều thứ tư dùng Vaxzevria được tiêm trộn với bất kỳ loại vaccine cơ bản hoặc nhắc lại nào trước đó.
Dữ liệu cũng cho thấy liều thứ tư của bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào đã được nghiên cứu, bao gồm cả vaccine AstraZeneca, có hiệu quả trung bình là 75% trong việc ngừa nhiễm biến thể Omicron. Độ hiệu quả của vaccine là 73% đối với Vaxzevria, tương tự với vaccine mRNA là 71%, đã được điều chỉnh theo độ tuổi, giới tính, lịch trình tiêm và loại vaccine đã được tiêm trước đó.
Giáo sư danh dự, bác sĩ Suwat Chariyalertsak, Khoa Y tế công cộng Đại học Chiang Mai, Thái Lan, là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này cung cấp bằng chứng quan trọng chứng minh liều thứ tư của bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào cũng có thể giúp ngừa nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh. Các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như người cao tuổi và có bệnh mạn tính cần được bảo vệ liên tục bằng các liều vaccine tăng cường này.