“Luật tổ chức Chính phủ vừa rồi giao thẩm quyền cho Thủ tướng thêm nhiều, luật cho phép rồi, vấn đề là anh có dám làm không”, đại biểu Chu Sơn Hà trao đổi với báo chí trước sự kiện Chính phủ có tân Thủ tướng.
Ông Hà cũng nhắn nhủ Thủ tướng “cờ đến tay phải phất đúng chiều gió thì cờ mới bay được còn nếu phất ngược chiều gió là không hiệu quả”.
Thưa ông, trên diễn đàn Quốc hội ông đã đề nghị không nên có tư tưởng kỷ luật hết thì không lấy ai làm việc và không nên học những người tiền nhiệm mà không cần xử lý kỷ luật ai. Có phải ông sốt ruột vì kỷ cương - một trong những điểm yếu của cơ quan hành pháp đã được đề cập nhiều tại nghị trường?
Trên diễn đàn Quốc hội thời gian ngắn nên khi đó tôi cũng chỉ nói được vậy.
Tóm lại chẳng qua là tôi muốn trong quá trình theo dõi, điều hành phải quán xuyến chung, trên cơ sở quán xuyến chung đó sẽ đánh giá được thực chất cán bộ, ai tốt thì phải ghi nhận mà ai chưa tốt thì phải đánh giá và xử lý một cách minh bạch.
Khen chê rõ ràng, sai phải xử, mà có thành tích phải khen thì mới khuyến khích được người tốt, chứ nếu không bình bình hết thì ai cũng như ai. Nhất là khi đánh giá nhiệm kỳ lại đều nói hoàn thành tốt nhiệm vụ hết, thì không thuyết phục.
Như ông Đinh La Thăng nói đấy, sao các bộ đều báo cáo làm tốt, phối hợp tốt rồi mà nhân dân vẫn phải ăn thực phẩm bẩn, ai cũng hoàn thành tốt nhưng thực ra công việc chỉ chạy ở một mức độ nhất định.
Nếu tất cả mọi người đều tốt thì công việc phải hoàn thành được ở một mức cao chứ cứ bình bình thì công việc chỉ hoàn thành ở mức độ nhất định.
Ý mình muốn là phải theo đõi, đánh giá thực chất hoạt động, hiệu quả của từng cán bộ một để có chính sách khen thưởng và kỷ luật cho thoả đáng. Ai có khuyết điểm thì phải xem xét đánh giá mức độ hệ quả của vi phạm đó để có mức xử lý cho đúng mức, xứng đáng, từ đó người ta sẽ có bài học và rút ra kinh nghiệm cho những lần tới.
Trong bối cảnh đó ông mong tân Thủ tướng có đột phá thế nào?
Đoàn Hà Nội khi thảo luận nhân sự có nhiều ý kiến cho rằng trước hết tinh thần chung phải giảm bộ máy, giảm biên chế vì với bộ máy cồng kềnh như hiện nay hoạt động của nó sẽ kém hơn và lại tốn thêm tiền của ngân sách, của nhà nước thôi.
Vậy nên nếu Thủ tướng không cải cách bộ máy thì không thể hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ được vì bộ máy nguyên xi thì hiệu quả hoạt động vẫn sẽ như thế thôi.
Có thể thấy trong bộ máy, cá nhân và tập thể sẽ hỗ trợ lẫn nhau, bộ máy tốt giúp cá nhân hoàn thành nhiệm vụ và ngược lại mỗi cá nhân tốt thì bộ máy cũng sẽ hoạt động trơn tru.
Trong bối cảnh hiện tại việc sắp xếp lại bộ máy cũng không phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu. Vậy theo ông Thủ tướng có thể làm những gì để cải thiện bộ máy của mình?
Tôi nghĩ là ai cũng nhìn vào việc đó hết, đều có thể nói rằng bộ máy của chúng ta rất cồng kềnh, giống như nhiều đại biểu Quốc hội đã từng đánh giá, 30% đội ngũ cán bộ của ta là không làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ, là thừa thãi, sáng cắp ô đi tối cắp ô về.
Ai cũng nói được thế, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cũng từng phát biểu, nêu nghi vấn dư luận cho rằng 30% bộ máy công chức cắp ô như thế, kém hiệu quả như thế.
Mọi người đều nói vậy cả thì bây giờ, với cương vị Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trước kia đã biết được tình trạng như thế thì giờ phải làm việc đó. Giờ cờ đến tay mình thì mình phải phất mà phải phất đúng chiều gió thì cờ mới bay được còn nếu phất ngược chiều gió là không hiệu quả.
Vì thế, tôi hy vọng rằng, với cơ chế này, dù là trong công tác cán bộ cũng có nhiều cơ quan có thẩm quyền nhưng với cương vị người đứng đầu, tân Thủ tướng sẽ có ý kiến rất trọng lượng và sẽ có được ý kiến quyết định về việc tổ chức bộ máy.
Luật tổ chức Chính phủ vừa rồi giao thẩm quyền cho Thủ tướng thêm nhiều, luật cho phép rồi, vấn đề là anh có dám làm không. Vậy nên bộ máy sắp tới tôi hy vọng sẽ hiệu quả hơn, nhất là khi có nghị quyết đại hội 12 thì hiệu lực điều hành sẽ rất lớn.