October 19, 2022 | 19:05 GMT+7

More needed to attract foreign tourists

Tường Bách -

The Vietnam National Administration of Tourism has reported that the number of international visitors to Vietnam in the first nine months of 2022 reached only 33 per cent of the annual target of 5 million. At a seminar on developing the international tourist market held recently by the Khanh Hoa Provincial Department of Tourism in Vietnam’s south-central region, analysts said it is necessary to combine many solutions.

Photo: VnEconomy
Photo: VnEconomy

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, 9 tháng năm 2022, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1,7 triệu lượt, thấp hơn nhiều so với trước đại dịch và chỉ đạt 33% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2022. Riêng Khánh Hòa đón 2,1 triệu lượt khách lưu trú, tăng 342,4% so với cùng kỳ năm trước (vượt 76,3% kế hoạch); trong đó khách quốc tế chỉ khoảng 155.500 lượt.

NỖ LỰC TÌM THỊ TRƯỜNG MỚI

Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan về nguồn khách, song theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa thể tăng trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19. Hiện ngành Du lịch mới đi được 1/3 chặng đường mục tiêu 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, đòi hỏi các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, các khu du lịch, điểm đến tham quan tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhiều sản phẩm thế mạnh để thu hút du khách.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Hà Nội – Chi nhánh Huế, bắt đầu từ tháng 10 trở đi, công ty sẽ đón và phục vụ khách quốc tế nhiều hơn. Cụ thể trong 3 tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng chi nhánh sẽ đón được 15 - 20 đoàn khách. Các thị trường khách chủ yếu là Pháp, Ý, Đức, Đan Mạch và Tây Ban Nha.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Du lịch Huế, cho biết trong quý 4 năm nay, dự kiến công suất lưu trú tại hai khách sạn của công ty là khoảng 70%; trong đó, chủ yếu là khách từ các thị trường châu Âu, như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha… Hai khách sạn cũng dự kiến đón được lượng khách đáng kể từ Thái Lan trong giai đoạn cuối năm và đầu năm sau.

Được biết, Sở Du lịch Huế thời gian qua tập trung vào việc chủ động kết nối các thị trường khách truyền thống, mở rộng kết nối các thị trường mới có tính thay thế. Ông  Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành Huế chia sẻ, mới đây Hội đã tổ chức chuyến famtrip nhằm xúc tiến, kết nối, khảo sát tuyến Lào - Đông Bắc Thái  Lan; gồm 30 doanh nghiệp lữ hành ở Huế và 6 doanh nghiệp lữ hành Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng. Kết quả rất khả quan, ngay trong tháng 10 tới, hai bên sẽ bắt đầu khai thác, đưa khách đến cho nhau.

Tương tự, Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết tại Nha Trang, Hàn Quốc đang là thị trường khách nước ngoài chủ lực. Để đa dạng hóa khách quốc tế bù vào thị trường nội địa, ngành du lịch đang đẩy mạnh xúc tiến thị trường Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia… và nỗ lực khai mở các thị trường khách mới như: Ấn Độ, Kazakhstan. Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh dự kiến từ đầu tháng 10 sẽ tổ chức các chuyến bay charter từ Kazakhstan đến Cam Ranh với tần suất 2 chuyến/tuần.

Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đông và chủ yếu là những đoàn nhỏ lẻ.
Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đông và chủ yếu là những đoàn nhỏ lẻ.

Trong khi đó, Sở Du lịch TP Đà Nẵng vừa phối hợp với Tập đoàn Mikazuki (Nhật Bản) tổ chức chương trình quảng bá điểm đến, trong đó chú trọng triển khai các thỏa thuận hợp tác và giới thiệu các sản phẩm du lịch mới. Bà Tán Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Asian Companion Travel nhận định du khách Nhật Bản có nhu cầu lớn về nghỉ dưỡng và sức chi tiêu tốt cũng như kế hoạch đặt tour sớm. Nhờ có nét văn hóa gần gũi với người Việt, khách Nhật rất được người dân bản địa yêu mến.

Cũng với tinh thần lạc quan đó, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty du lịch Bàn chân Việt (Vietfoot Travel), cho biết công ty của ông mới chuẩn bị 25 ô tô 50 chỗ để đón đoàn khách lên tới 1.000 người, trong đó có nhiều khách quốc tế đi du lịch Quảng Ninh. “Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đông và chủ yếu là những đoàn nhỏ lẻ. Những đoàn khách lớn sẽ tới Việt Nam vào đầu năm sau, do những đoàn lớn họ phải lên kế hoạch mất nhiều thời gian, Việt Nam lại mới mở cửa lại hoàn toàn nên không kịp để họ tới ngay dịp cuối năm nay”, ông Nghĩa nói.

Cũng như vây, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP lữ hành Fiditour cho biết những đoàn khách tới Việt Nam hiện vẫn mang tính chất thăm dò, tuy nhiên phản hồi của họ rất tốt, đây sẽ là tiền đề để các đối tác nước ngoài đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam đã trở lại bình thường. “Với tình hình hiện tại, tôi kỳ vọng những đoàn khách quốc tế lớn sẽ quay trở lại Việt Nam đều đặn hơn vào quý 2 năm 2023”, ông Dũng nhận định.

SẴN SÀNG CHO NĂM 2023

Tại hội thảo “Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ - Trung Bộ” vừa được Sở Du lịch Khánh Hòa tổ chức, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) nhìn nhận, việc thị trường khách quốc tế hồi phục chậm có những nguyên nhân khách quan, song thời gian tới, thị trường này sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.

 
Vì vậy, bên cạnh các phân khúc đã khai thác tốt, cần phát triển phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các hoạt động thể thao để thu hút dòng khách cao cấp, có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày hơn để tăng thêm hiệu quả hoạt động du lịch.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, giải pháp trọng tâm để phục hồi và phát triển thị trường khách quốc tế bền vững là tăng cường liên kết để tạo sản phẩm mới. Chính vì vậy, khi triển khai liên kết có thể tạo nên các tour, tuyến hấp dẫn; gia tăng sức hút của mỗi địa phương. Ví dụ như Khánh Hòa và Lâm Đồng có thể liên kết xây dựng tour theo dấu chân bác sĩ A.Yersin, các tour du lịch golf... Trong đó, việc liên kết phải đi vào thực chất và cần chọn một địa phương làm “nhạc trưởng”.

Còn tại cuộc họp báo công bố Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) tại Đà Nẵng 2022, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Ngành du lịch Việt Nam xem năm 2023 là thời điểm tốt để chuẩn bị cho hoạt động thu hút khách quốc tế. Trong đó, các thị trường gần trong khu vực Đông Nam Á sẽ được ưu tiên bên cạnh thị trường tiềm năng lớn như Ấn Độ. Sau đó, ngành du lịch tính đến khôi phục các thị trường xa hơn như Tây Âu, Úc, Mỹ…

“Cho đến thời điểm này, tôi có thể nói rằng chúng ta khó có thể đạt được con số 5 triệu khách quốc tế như mục tiêu đề ra ban đầu”, ông Bình chia sẻ. “Các hoạt động xúc tiến du lịch tổ chức vào thời điểm này chính là một trong những cơ hội tốt để các doanh nghiệp kết nối, chuẩn bị thu hút hút du lịch khách quốc tế trong năm 2023 trước khi khôi phục hoàn toàn vào năm 2024”.

Các điểm đến tham quan cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhiều sản phẩm thế mạnh để thu hút du khách.
Các điểm đến tham quan cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nhiều sản phẩm thế mạnh để thu hút du khách.

Từ thực tế này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), nêu ý kiến rằng thay vì chú trọng quá nhiều vào việc đặt mục tiêu số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần phấn đấu làm thế nào để thu được nhiều tiền hơn nữa. "Rất khó để đạt được lượng khách quốc tế đến Việt Nam như trước dịch. Tuy nhiên, không nhất thiết số lượng khách năm sau phải cao hơn năm trước, mà quan trọng là doanh thu từ du lịch phải tăng, thông qua việc thu hút những thị trường khách có khả năng chi trả cao", ông Chính nói.

Để có thể “bứt tốc” trong năm 2023, du lịch Việt Nam cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là thay đổi chính sách thị thực thuận lợi hơn vì đây là yếu tố quyết định tới việc thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cần tập trung và phát triển tiếp thị điện tử, tăng cường các chiến dịch truyền thông ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi trong việc làm visa điện tử, tăng cường các chuyến bay quốc tế,... để hút khách quốc tế tới Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate