Theo chứng khoán Yuanta, giá phân bón Urê phục hồi đáng kể, giá Urê trong nước trong tháng 3/2024 trung bình 10.550 đồng/kg tăng 5% so với tháng 12/2023, trong khi đó giá Urê thế giới hiện tại đã tăng lên trên mức 350 USD/tấn tăng hơn 16% so với mức thấp cuối năm trước.
Kỳ vọng giá Urê sẽ tiếp tục phục hồi nhờ giá khí đốt kỳ vọng tăng trở lại có thể khiến các công ty sản xuất phân bón ở châu Âu tiếp tục cắt giảm sản lượng; Nga có thể tiếp tục gia hạn hạn ngạch xuất khẩu phân đạm trong năm 2024.
Nhu cầu phân bón tăng nhẹ: Theo IFA tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón có xu hướng tăng nhẹ 1,2% trong năm 2024, chủ yếu nhờ khu vực Nam Á và Mỹ Latinh tăng ổn định 5 – 7%/năm trong giai đoạn 2024 - 2027.
Giá khí đầu vào hạ nhiệt, theo IRI dự báo khí hậu El Niño bắt đầu suy yếu từ Q2/2024 hỗ trợ huy động nguồn điện giá rẻ từ thuỷ điện giảm huy động từ nguồn điện khí. Điều này sẽ giảm mức độ cạnh tranh về khí cho DPM khi chủ yếu sử dụng nguồn khí trong nước.
Sản xuất ổn định sau bảo dưỡng, trong năm 2023 DPM đã trải qua đợt bảo dưỡng tổng thể trong 26 ngày và 10 ngày khắc phục sự cố thiết bị ở phân xưởng NH3 dẫn đến sản lượng Urê, NH3, NPK sụt giảm lần lượt 11%, 26%, 23% so với cùng kỳ. Sau bảo dưỡng và khắc phục sự cố nhà máy đã hoạt động bình thường. Dự kiến sản lượng sẽ ổn định trở lại trong năm 2024.
Yuanta định giá DPM bằng 3 phương pháp P/E, P/B và DDM, tỷ trọng lần lượt là 45% , 45%, 10%. Mức P/E dự phóng là 11,65 tương đương mức trung bình 2 năm +1SD và mức P/B dự phóng là 1,67 lần, tương đương mức trung bình 2 năm +1SD bên cạnh tốc độ tăng trưởng cổ tức ước tính 2,1% với kỳ vọng kinh doanh tích cực khi giá phân bón tăng trở lại và hoạt động sản xuất ổn định sau bảo dưỡng. Kết quả dự phóng trung bình là 44.266 đồng/cổ phiếu. Theo đó, Yuanta đưa ra khuyến nghị mua đối với DPM với tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng tăng 41,7% so với giá đóng cửa ngày 25/04/2024.
Theo biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (DPM), lãnh đạo doanh nghiệp tiết lộ doanh thu quý đầu năm ước đạt hơn 3.200 tỷ và có lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đạt sát kế hoạch quý. Tổng sản lượng kinh doanh phân bón đạt 109% kế hoạch và sản lượng kinh doanh hóa chất 117% kế hoạch quý.
Biên bản họp không nêu rõ lợi nhuận trước hay sau thuế. Theo kết quả quý I/2023, Đạm Phú Mỹ ghi nhận gần 3.265 tỷ doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế 301 tỷ và lãi sau thuế 262 tỷ đồng.
Ngoài DPM, nhóm cổ phiếu phân bón gồm DCM, LAS cũng đang được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Mới đây nhất, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn thiện lại Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới trong tháng 5- tháng 6.
Trong đó, Bộ Tài chính loại bỏ phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế 5%. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi hơn 10 năm qua, một khi áp dụng thuế 5% được khấu trừ đầu vào, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ hồi phục đáng kể so với giai đoạn trước đó.
SSI Research ước tính lợi nhuận năm 2024 của các công ty phân bón tăng 40% so với cùng kỳ. Định giá của các công ty phân bón cao hơn mức P/E giai đoạn 2021-2022 là 6x khi các doanh nghiệp có lợi nhuận cao đột biến nhưng vẫn thấp hơn P/E trung bình giai đoạn 2015-2020 là 12x.
Các yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu bao gồm xung đột ở Trung Đông kéo dài có thể làm gián đoạn nguồn khí đốt tự nhiên và nguồn cung urê trong khu vực đó. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu urê khác, trong đó có Việt Nam.
Chính phủ có thể xem xét thay đổi trạng thái thuế giá trị gia tăng đối với các doanh sản xuất phân bón từ “không chịu thuế giá trị gia tăng” sang “chịu 5% giá trị gia tăng”. Vấn đề này dự kiến sẽ được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024 và có thể được thông qua sớm nhất tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo (tháng 10/2024). Nếu dự thảo được thông qua, thay đổi dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2025 trong kịch bản tốt nhất.