March 21, 2024 | 10:37 GMT+7

Một công ty du học “tiếp tay” cho học sinh trốn ở lại nước ngoài trái phép

Đỗ Mến -

Hà khai nhận, Lan trao đổi với Hà là các học sinh tham gia trại hè là để trốn ở lại. Hà biết vì đã trao đổi cụ thể với Trang về việc các học sinh đi du học, sau đó tìm cách trốn ở lại với người nhà tại Châu Âu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Các bị cáo gồm Phạm Thị Hà (SN 1982, ở quận Hoàng Mai, giám đốc Công ty Eduglobal) và Nguyễn Hữu Ninh (SN 1969, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm), Lê Thanh Tuyên (SN 1973, ở TP Đồng Hới, Quảng Bình), Vũ Thị Lan (SN 1974, ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An) về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.

Trước đó, ngày 12/12/2022, Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ vụ việc 10 học sinh Việt Nam trốn ở lại Thụy Sỹ khi tham gia khóa học trại hè ngắn hạn do Học viện Quản lý du lịch và khách sạn HTMi Thụy Sỹ hợp tác với các công ty tư vấn du học tại Việt Nam tổ chức từ ngày 24/7/2022 đến ngày 31/7/2022.

LỢI DỤNG CHƯƠNG TRÌNH TRẠI HÈ ĐỂ TRỐN Ở NƯỚC NGOÀI

Kết quả điều tra xác định, Trường HTMi tại Thụy Sỹ có chương trình du học trại hè ngắn hạn. Công ty đã gửi thư điện tử, tổ chức hội thảo, giới thiệu về nội dung chi tiết của chương trình trại hè ngắn hạn tới 5 công ty tư vấn du học tại Việt Nam để mời hợp tác tư vấn, tuyển sinh học sinh. Sau khi nhận được thông tin về chương trình, các công ty này đã giới thiệu, quảng bá trên trang web, fanpage của công ty về đối tượng du học là học sinh, sinh viên độ tuổi từ 13- 17 tuổi, chi phí là 2.500 CHF/học sinh và 2.300 CHF/phụ huynh tham dự.

Từ tháng 5-7/2022, có 5 công ty đã hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho 11 học sinh tham gia. Sáng 24/7/2022, đoàn học sinh xuất cảnh đi Thụy Sỹ để tham gia chương trình trại hè. Sau đó, các học sinh lần lượt bỏ trốn, đến nay chỉ có 1 học sinh quay trở về Việt Nam theo đúng lịch trình.

Tài liệu điều tra xác định hành vi của các bị cáo trong vụ án này. Theo đó, khoảng tháng 5/2022, Nguyễn Hữu Ninh được một người đàn ông tên Hùng (quê Nghệ An, hiện đang sinh sống ở Châu Âu, không rõ thông tin) gửi 18 bộ hồ sơ của khách có nhu cầu đi Hungari, Balan lao động.

Ninh đã liên hệ nhờ Lê Thanh Tuyên nhận hồ sơ với giá thỏa thuận là 8.000 USD phí đi (bao gồm vé máy bay) và 4.000 USD phí cọc chống trốn, tổng cộng là 12.000 USD, tương đương 285 triệu đồng/khách. Tuyên đã liên hệ với Võ Nha Trang nhờ đưa 18 khách này sang Châu Âu. Trang trao đổi với Hà và được Hà giới thiệu đang có chương trình du học hè ngắn hạn tại Thụy Sỹ.

Trang hướng dẫn Tuyên đưa hồ sơ cho Vũ Thị Lan (em gái Trang) để nộp hồ sơ cho Hà (giám đốc Công ty Eduglobal). Ngày 20/6/2022, Lan đã chuyển hồ sơ, đứng tên ký hợp đồng tư vấn du học cho 18 khách với Công ty Eduglobal độ tuổi từ 17 – 40 tuổi. Tuy nhiên chỉ có 2 học sinh được duyệt tham gia khóa học trại hè của Trường HTMi.

Về chi phí đưa 2 học sinh này sang Thụy Sỹ, Ninh đã nhận hơn 522 triệu đồng sau đó chuyển cho Tuyên để chuyển cho Lan và Hà.

Hà đã cung cấp dịch vụ tư vấn và sử dụng số tiền này để nộp học phí, mua vé cho khách và được hưởng lợi số tiền đặt cọc chống trốn là 206 triệu đồng. Còn Ninh và Tuyên chưa được hưởng lợi. Lan được hưởng lợi 10 triệu đồng còn Trang được hưởng lợi 35 triệu đồng.

LỜI KHAI CỦA GIÁM ĐỐC CÔNG TY DU HỌC

Quá trình điều tra, Hà khai nhận, Lan trao đổi với Hà là các học sinh tham gia trại hè là để trốn ở lại. Hà biết vì đã trao đổi cụ thể với Trang về việc các học sinh đi du học, sau đó tìm cách trốn ở lại với người nhà tại Châu Âu.

Khi chọn lọc hồ sơ, Hà chấp nhận 2 học sinh đủ điều kiện tham gia trại nên trực tiếp xử lý hồ sơ như thu thập thông tin cá nhân học sinh, dịch thuật, công chứng, gửi học bạ, hộ chiếu học sinh sang trường để xin thư mời, chuyển học phí và chuẩn bị hồ sơ nộp tại Đại sư quán Thụy Sỹ. Khi có visa, Hà yêu cầu gia đình học sinh đến ký hợp đồng đặt cọc chống trốn và đơn tự nguyện gửi hộ chiếu gốc.

Đến nay, Hà đã trả lại số tiền hưởng lợi cho các gia đình học sinh này.

Đối với Võ Nha Trang hiện đã xuất cảnh đi Cộng hòa Séc từ năm 2008 đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam. Do đối tượng không có mặt tại địa phương nên cơ quan điều tra tách hành vi để làm rõ sau.

 

Cơ quan điều tra cũng làm rõ các trường hợp học sinh bỏ trốn liên quan đến các công ty tư vấn khác. Trong đó, có công ty đã tư vấn, giải thích cho gia đình về việc visa được cấp là 30 ngày và học sinh phải về nước, nếu trốn ở lại thì sẽ không được cấp visa nữa. Có công ty đã yêu cầu học sinh đóng 6.000 USD để phòng chống việc học sinh bỏ trốn tại nước ngoài.

Khi nhận thông báo về trường học có du học sinh bỏ trốn và cắt đứt liên lạc, công ty đã liên hệ với gia đình thì qua trao đổi, gia đình không liên lạc được với học sinh.

Gia đình học sinh trình bày, mục đích tham gia trại hè để trải nghiệm, làm đẹp hồ sơ để thuận lơi cho việc xin visa đi du học dài hạn sau này và  không biết việc con em mình bỏ trốn.

Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ để xem xét xử lý hình sự đối với các công ty này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate