Thương vụ Việt Nam tại Australia quyết định tổ chức đấu giá vải với mong muốn khẳng định giá trị và hỗ trợ gia tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam tại thị trường Australia. Và trong phiên đấu giá đặc biệt tại thành phố Perth thuộc bang Tây Australia, hộp 1kg vải tươi Việt Nam “thượng hạng” nhập khẩu được mua với giá lên tới 3.000 AUD (khoảng 53 triệu đồng).
Đây là sự kiện mở đầu cho Tuần lễ vải Việt Nam do Thương vụ Việt Nam tại Australia thực hiện nằm trong tổng thể chương trình xây dựng thương hiệu vải Việt Nam tại Australia và kế hoạch quảng bá vải Việt Nam năm 2021.
Buổi đấu giá hộp vải tươi duy nhất thu hút rất đông sự chú ý của khách hàng. Hầu hết đều tỏ ra thích thú với cách làm mới, nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa giá trị của loại quả đặc trưng của Việt Nam. Hiện giá bán vải tươi Việt Nam tại thị trường Australia trung bình từ 13 - 15 AUD/kg (khoảng 230.000 - 270.000 đồng/kg).
“Chất lượng quả vải của chúng ta năm nay rất là ngon, rất là đặc sắc. Nhà xuất khẩu cũng như phân phối đã chăm chút nhãn hiệu, bao bì. Chính vì vậy Thương vụ quyết định tổ chức đấu giá vải để làm gia tăng giá trị của quả vải Việt Nam tại thị trường Australia. Thương vụ cùng với Công ty 4waysfresh sẽ dành toàn bộ tiền đấu giá để ủng hộ trẻ em ở vùng trồng vải của Việt Nam” - ông Nguyễn Phú Hòa nói.
Các quả vải được mang ra đấu giá ngày hôm nay nằm trong lô hàng gồm 17 tấn vải tươi Việt Nam đầu tiên của mùa vụ năm nay được nhập khẩu và mang ra bán tại nhiều cửa hàng thực phẩm Châu Á ở thành phố Perth của Australia. Ngay khi hàng được thông quan, hàng loạt các siêu thị bán hàng Châu Á đã ngay lập tức lấy hàng về bán trong đó có 6 siêu thị thuộc hệ thống MCQ, 8 siêu thị thuộc hệ thống Five seansons và 5 siêu thị của công ty WA Growers Fresh. Trong đó, hệ thống siêu thị MCQ đã bắt đầu bán quả vải tươi của Việt Nam từ năm 2018 và luôn nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.
Ông Hoàng Luật, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu M chuyên bán hàng cho hệ thống siêu thị MCQ nhận xét: “Lô hàng vải mới sang ngày hôm qua đến sáng nay, chúng tôi cũng đã đưa cho một số khách hàng và nhân viên công ty. Sau khi thử, mọi người rất thích. Mọi người đánh giá trái vải U hồng này rất tốt mặc dù màu sắc bên ngoài không bằng vải thiều. Tuy nhiên chất lượng bên trong thì tốt, hàng trái lớn, đều, ngọt thanh”.
Anh Lý Hoàng Duy, Tổng giám đốc Công ty 4wayfresh cho biết: “Tôi thấy tiềm năng của quả vải tươi Việt Nam vào thị trường Australia là rất lớn. Vì bây giờ họ đã quen với màu vàng của quả vải tươi, rồi cách chuyên chở khiến quả vải rất tươi, vị rất ngon nên khách hàng bắt đầu trông chờ vải Việt Nam vào thị trường Australia”.
Năm nay dự kiến là một năm hứa hẹn đối với thị trường vải Việt Nam tại Australia. Chỉ tính riêng Công ty 4wayfresh, đơn vị nhập khẩu nông sản Việt Nam hàng đầu tại Australia, trong tuần này sẽ có thêm 1 container 40ft vải tươi cập cảng ở bang Tây Australia và 3 container nữa sẽ đến trong tổng thể kế hoạch nhập khẩu 100 tấn vải cho vụ mùa năm nay.
Công ty 4wayfresh tại Australia cùng với Công ty Rồng Đỏ (Việt Nam) là những đơn vị có nhiều nỗ lực cải tiến khâu bảo quản và phối hợp với Thương vụ để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thị trường vải tại Australia. Lô vải đầu tiên của Hải Dương vào Australia bằng đường biển do Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ xuất khẩu được thu mua từ vùng vải sớm tại huyện Thanh Hà. Lô vải này được phân phối bán tại 11 siêu thị ở Australia.
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, kết quả xuất khẩu mùa vải năm nay phụ thuộc phần lớn vào khâu vận chuyển nhằm bảo đảm chất lượng, sự tươi ngon của quả vải. Australia là một quốc gia với nền nông nghiệp phát triển, có biện pháp kiểm tra an toàn sinh học khắt khe. Australia cũng trồng được các loại quả mà Việt Nam có thế mạnh, trong đó có quả vải. Do vậy, việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu quả vải đòi hỏi những nỗ lực không ngừng.
Với chất lượng thơm ngon, tiềm năng tiêu thụ vải tươi Việt Nam tại Australia vẫn còn rất lớn. Điều này thể hiện qua việc từ đầu mùa vải, khi Thương vụ kết nối giao thương, các doanh nghiệp nhập khẩu đều bày tỏ sự tin tưởng và hài lòng với với kế hoạch quảng bá, cũng như khẳng định nếu cước vận tải hợp lý hơn, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh nhập khẩu lên tới 300 - 500 tấn.