Silvergate Capital, một ngân hàng tiền ảo, ngày 8/3 tuyên bố đóng cửa bằng cách cuốn gói hoạt động và tiến hành thanh lý tài sản. Cổ phiếu Silvergate “bốc hơi” 36% trong phiên giao dịch ngoài giờ ngay sau đó.
Theo hãng tin CNBC, Silvergate là một trong hai ngân hàng cho vay chính đối với các công ty tiền ảo, cùng với Signature Bank có trụ sở ở New York. Với “đại bản doanh” đặt tại La Jolla, California, Silvergate có tài sản hơn 11 tỷ USD, so với mức 114 tỷ USD của Signature. FTX - sàn giao dịch tiền ảo đã phá sản - từng là một khách hàng lớn của Silvergate.
“Trong bối cảnh gần đây của ngành tiền ảo và các diễn biến về quy chế giám sát, Silvergate tin rằng việc thu hẹp một cách có trật tự hoạt động của ngân hàng và tự nguyện thanh lý ngân hàng là hướng đi tốt nhất”, Silvergate nói trong một tuyên bố.
Toàn bộ tiền gửi của khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ - theo một kế hoạch được công bố ngày 8/3. Tuy nhiên, Silvergate không nói rõ sẽ giải quyết các khiếu nại liên quan đến hoạt động của ngân hàng như thế nào.
Vụ giải thể của Silvergate diễn ra chưa đầy một tuần sau khi ngân hàng tiền ảo này dừng hoạt động nền tảng thanh toán có tên Silvergate Exchange Network (SEN) - bộ phận được coi là một trong những mảng kinh doanh chính của Silvergate. Ngân hàng nói rõ rằng tất cả các dịch vụ liên quan đến tiền gửi vẫn duy trì trong quá trình cắt giảm hoạt động cho tới khi đóng cửa hoàn toàn. Silvergate sẽ thông báo cho khách hàng về bất kỳ thay đổi nào tiếp theo.
Tuần trước, Silvergate hoãn công bố báo cáo tài chính năm 2022, một phần để rà soát lại tính khả thi của hoạt động kinh doanh, một phần do ngân hàng này đang là đối tượng điều tra của một số cơ quan chức năng Mỹ, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Các công ty tiền ảo như Coinbase và Galaxy Digital đã vội vã cắt đứt quan hệ với Silvergate vào tuần trước sau khi ngân hàng này tuyên bố không chắc có thể duy trì hoạt động hay không.
Silvergate đã gặp khó khăn từ nhiều tháng nay. Ngoài việc sa thải 40% nhân viên vào tháng 1, ngân hàng công bố khoản lỗ gần 1 tỷ USD cho quý 4 năm ngoái, sau khi khách hàng ồ ạt rút tiền khiến lượng tiền gửi giảm 68% còn 3,8 tỷ USD vào cuối năm ngoái.
Để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, Silvergate đã phải bán 5,2 tỷ USD chứng khoán nợ. Ngoài ra, Silvergate vay của Ngân hàng Cho vay mua nhà Liên bang thêm 4,3 tỷ USD nữa. Khoản vay này vấp phải sự chỉ trích của một số thượng nghị sỹ, những người cho rằng việc cho Silvergate vay tiền như vậy đã đẩy hệ thống ngân hàng truyền thống đối mặt rủi ro từ thị trường tiền ảo.
Tuy nhiên, hai quỹ đầu tư lớn là Citadel Securities và BlackRock gần đây đã thâu tóm cổ phần lớn trong Silvergate, mua tương ứng 5,5% và 7%.
Theo CEO Dave Weisberger của nền tảng giao dịch thuật toán CoinRoutes, cho tới hiện tại, hầu như không có nguy cơ rủi ro lan từ Silvergate sang các ngân hàng khác. “Vấn đề mà Silvergate gặp phải chủ yếu do mức độ quản lý thanh khoản không đảm bảo, phần lớn xuất phát từ việc ngân hàng này phụ thuộc quá nhiều vào các khoản tiền gửi ngắn hạn nhưng lại cho vay hoặc đầu tư với kỳ hạn dài hơn. Vụ này không giống như vụ phá sản của FTX mà ở đó nhà đầu tư mất tiền gửi. Thực chất đây là một cuộc giải thể có trật tự”, ông Weisberger nói với trang CNN Money.
Dù vậy, vụ “sập tiệm” của Silvergate vẫn là vụ mới nhất trong chuỗi đổ bể của các công ty lớn trong ngành tiền ảo thời gian gần đây. Chính vì những vụ đổ vỡ như vậy đang làm dấy lên lời kêu gọi về tăng cường giám sát đối với lĩnh vực tài sản số.
Giá cổ phiếu Silvergate hiện đã giảm 97% so với mức cao thiết lập vào năm 2021, phản ánh xu hướng đi xuống nói chung của toàn thị trường tiền ảo. Một loạt vụ phá sản và bê bối của ngành này trong năm 2022 - bao gồm vụ phá sản của FTX, “đế chế” do Sam Bankman-Fried sáng lập, vào tháng 11 năm ngoái - đã khiến thị trường chao đảo và đến nay vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Từng đạt mức vốn hoá 3 nghìn tỷ USD, toàn thị trường tiền ảo hiện chỉ đạt mức vốn hoá khoảng 1 nghìn tỷ USD.