April 11, 2024 | 21:45 GMT+7

“Mốt” sở hữu hộ chiếu thứ hai của giới nhà giàu Mỹ

Điệp Vũ -

Nhà giàu Mỹ đang có xu hướng xây dựng “danh mục hộ chiếu” - những bộ sưu tập địa vị công dân nước thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư - để phòng trường hợp cần di cư ra nước ngoài...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.

Ngày càng có nhiều gia đình giàu có ở Mỹ xin cấp quốc tịch thứ hai như một cách để phòng ngừa rủi ro tài chính - công ty luật Henley & Partners chuyên dịch vụ quốc tịch và cư trú cho giới nhà giàu cho biết.

Theo hãng luật hàng đầu này, nhà giàu Mỹ đang có xu hướng xây dựng “danh mục hộ chiếu” - những bộ sưu tập địa vị công dân nước thứ hai, thứ ba hoặc thậm chí là thứ tư - để phòng trường hợp cần di cư ra nước ngoài. Hiện nay, người Mỹ là những người xin thẻ cư trú dài hạn ở nước ngoài hoặc nhập thêm quốc tịch nhiều nhất thế giới.

“Mỹ vẫn là một đất nước tuyệt vời. Hộ chiếu Mỹ vẫn tuyệt vời. Nhưng người giàu có nhu cầu phòng ngừa những biến động và bất ổn. Ý tưởng về sự đa dạng hoá là điều dễ hiểu đối với những người giàu khi họ nghĩ đến những gì mà họ đầu tư. Sẽ là không hợp lý khi chỉ có địa vị công dân ở một quốc gia trong khi một người giàu có khả năng đa dạng hoá về mặt này”, ông Dominic Volek - trưởng bộ phận phục vụ khách hàng cá nhân tại Henley & Partners - nói với hãng tin CNBC.

Một vài ví dụ điển hình gần đây về người giàu xin quốc tịch thứ hai là tỷ phú công nghệ Peter Thiel, một công dân Mỹ nhập tịch New Zealand, hay cựu CEO Eric Schmidt của Google xin nhập tịch Cyprus.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng người giàu Mỹ không ồ ạt xin nhập thêm quốc tịch nước ngoài và cũng không từ bỏ hộ chiếu Mỹ. Thay vào đó, nhiều người giàu Mỹ xin hộ chiếu hoặc thẻ cư trú nước ngoài để bổ sung cho cuốn hộ chiếu Mỹ của họ.

Theo Henley, những quốc gia hàng đầu mà giới nhà giàu Mỹ lựa chọn khi xin hộ chiếu thứ hai bao gồm Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp và Italy. Chương trình “visa vàng” của Bồ Đào Nha đặc biệt được ưa chuộng bởi mở ra cánh cửa cư trú và nhập tịch nước này, đi kèm với quyền đi lại không cần thị thực ở châu Âu. Để tham gia chương trình này, số tiền đầu tư cần rót vào Bồ Đào Nha là 500.000 euro, tương đương 541.000 USD. Malta cũng có chương trình visa vàng với số tiền đầu tư yêu cầu là 300.000 euro.

“Nhập tịch Malta, bạn sẽ trở thành một công dân châu Âu, với đầy đủ các quyền định cư tại khắp châu Âu. Bởi vậy, bạn có thể sống ở Đức, con bạn có thể đi học ở Pháp, và bạn có quyền sống, học tập và làm việc ở khắp châu Âu”, ông Volek cho hay.

Có ba lý do chính dẫn tới việc nhà giàu Mỹ xây dựng “danh mục hộ chiếu”. Đầu tiên, một hộ chiếu thứ hai giúp họ dễ dàng đi lại tới các quốc gia có mức độ thân thiện ít hơn với Mỹ.

“Với bất ổn địa chính trị toàn cầu gia tăng, việc sở hữu hộ chiếu của một quốc gia khác, nhất là những nước được coi là trung lập hoặc ôn hoà về chính trị, mang lại giá trị đáng kể”, một báo cáo của Henley nhận định.

Một lý do khác là các chuyến công tác có thể trở nên an toàn và ít bị chú ý hơn khi một người Mỹ sử dụng một cuốn hộ chiếu khác để nhập cảnh. Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có thể trở thành mục tiêu của “sự oán giận, các vụ bắt cóc, hoặc khủng bố ở một số quốc gia có mức độ rủi ro cao mà họ cần phải đến vì mục đích công việc” - theo báo cáo của Henley. Báo cáo lấy ví dụ về các trường hợp như vậy từ các nhà quản lý quỹ phòng hộ gặp khách hàng toàn cầu, cho đến nhà điều hành doanh nghiệp khai mỏ đi thăm mỏ. Ngoài ra, sử dụng một hộ chiếu thứ hai còn có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch tài chính xuyên biên giới ở quốc gia mà người đó nhập quốc tịch mới.

Cuối cùng, một số người giàu Mỹ muốn kế hoạch dự phòng cho trường hợp họ về hưu, chẳng hạn để được sống gần hơn với người thân đang sống ở nước ngoài, hoặc muốn có một phong cách sống mới trong kỷ nguyên làm việc từ xa. Một số người khác đưa ra lý do chính trị.

“Chúng ta đều trong sống một thời kỳ có nhiều bấp bênh, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Không chỉ cần tới kế hoạch B hay kế hoạch C, mà còn cần có cả kế hoạch D nữa”, ông Volek nói.

Trên phạm vi toàn cầu, hoạt động di cư của giới triệu phú được dự báo sẽ lập đỉnh cao mới trong năm nay, do các yếu tố như chiến tranh, các quốc gia tăng cường kiểm soát về tài sản của giới giàu, và bất ổn chính trị. Ước tính sẽ có 128.000 triệu phú di cư trên toàn cầu trong năm nay, tăng từ mức 120.000 vào năm 2023 và 51.000 vào năm 2014 - theo Henley.

Mỹ vẫn là điểm đến số 1 toàn cầu cho các triệu phú di cư, với số triệu phú ròng chuyển tới nước này trong năm 2023 là 2.200 người. Con số được dự báo sẽ đạt 3.500 người trong năm 2024, theo Henley.

Trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia có số triệu phú chuyển đi nhiều nhất, mất ròng 13.500 triệu phú trong năm 2023.

“Cơ hội tạo sinh tài sản ở Mỹ không đứng sau bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới”, ông Volek nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate