Bảng xếp hạng hộ chiếu thường niên của Henley Passport Index đánh giá mức độ quyền lực của cuốn hộ chiếu từng quốc gia/vùng lãnh thổ dựa trên số quốc gia/ vùng lãnh thổ mà người mang hộ chiếu đó có thể nhập cảnh mà không cần thị thực (visa).
Sau 5 năm liên tiếp Nhật Bản chiếm vị trí cao nhất của xếp hạng, vị trí này năm nay còn có thêm 5 quốc gia khác là Pháp, Đức, Italy, Singapore và Tây Ban Nha. Hộ chiếu của 6 quốc gia này đều mang lại quyền nhập không cần visa vào 194 quốc gia/vùng lãnh thổ trên tổng số 227 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Vị trí thứ hai của xếp hạng thuộc về Hàn Quốc, Phần Lan và Thuỵ Điển, với 193 điểm đến cho phép người mang hộ chiếu của các nước này được nhập cảnh miễn thị thực.
4 nước châu Âu gồm Áo, Đan Mạch, Ireland và Hà Lan chung vị trí thứ 3. Người mang hộ chiếu các quốc gia này được nhập cảnh không cần thị thực và 192 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới.
Chung vị trí số 4 là các nước Bỉ, Luxembourg, Na Uy và Bồ Đào Nha. Có 191 quốc gia/vùng lãnh thổ miễn visa nhập cảnh cho người mang hộ chiếu của các nước này.
Vị trí số 5 có Hy Lạp, Malta và Thuỵ Sỹ, đều có 190 điểm đến không yêu cầu thị thực.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - duy trì vị trí số 7, khi người mang hộ chiếu Mỹ được nhập cảnh không cần thị thực vào 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cách đây 1 thập kỷ, vào năm 2014, hộ chiếu Mỹ chiếm vị trí quyền lực nhất thế giới.
Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tiếp tục là nước thăng hạng mạnh nhất trong xếp hạng này trong 1 thập kỷ qua. Số quốc gia/vùng lãnh thổ mà người mang hộ chiếu UAE được nhập cảnh miễn thị thực đã tăng thêm 106 điểm đến kê từ năm 2014 đến nay. Xếp hạng năm 2024 của hộ chiếu UAE là vị trí 11.
Hộ chiếu Việt Nam xếp vị trí 87 trên 104 hạng, được miễn thị thực khi nhập cảnh vào 55 quốc gia và quốc gia vào vùng lãnh thổ trên thế giới. So với năm 2023, Việt Nam tăng 1 bậc trong xếp hạng.
Hộ chiếu Trung Quốc đứng ở vị trí 62, có 85 điểm đến được miễn thị thực. Hộ chiếu Thái Lan xếp thứ 63, với số điểm đến không cần thị thực là 82.
Henley & Partners là công ty tư vấn quốc tịch và cư trú toàn cầu, có trụ sở tại London. Xếp hạng hộ chiếu được công ty này thực hiện dựa trên dữ liệu độc quyền từ Hiệp hội Giao thông hàng không Quốc tế (IATA). Có 227 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới trong xếp hạng này, nhưng chỉ có 104 thứ hạng vì nhiều vị trí có hơn 1 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Christian H. Kaelin của Henley & Partners nói rằng xu hướng chung của 2 thập kỷ qua là tự do đi lại ngày càng tăng. Tuy nhiên, khoảng cách về mức độ quyền lực giữa hộ chiếu ở top mạnh nhất và hộ chiếu ở nhóm yếu nhất đã trở nên rộng hơn bao giờ hết.
“Tính bình quân, số điểm đến không cần thị thực đối với người mang hộ chiếu của mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi từ 58 vào năm 2006 lên 111 vào năm 2024”, ông Kaelin nói. “Dù vậy, hộ chiếu của những nước ở vị trí đầu tiên được miễn thị thực khi nhập cảnh vào số điểm đến nhiều hơn 166 điểm so với hộ chiếu Afghanistan, nước đứng ở cuối xếp hạng và chỉ được quyền nhập cảnh không visa vào 28 quốc gia/vùng lãnh thổ”.
Nẳm trong nhóm “đội sổ” còn có các nước Syria, Iraq, Pakistan và Yemen.
Dưới đây là top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2024, theo xếp hạng của Henley & Partners (trong ngoặc là số quốc gia và vùng lãnh thổ mà người mang hộ chiếu đó được nhập cảnh không cần thị thực):
1. Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha (194)
2. Phần Lan, Hàn Quốc, Thuỵ Điển (193)
3. Áo, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan (192)
4. Bỉ, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Anh (191)
5. Thuỵ Sỹ, Malta, Hy Lạp (190)
6. Australia, CH Czech, New Zealand, Ba Lan (189)
7. Canada, Hungary, Mỹ (188)
8. Estonia, Lithuania (187)
9. Latvia, Slovakia, Slovenia (186)
10. Iceland (185)
10 hộ chiếu yếu nhất thế giới năm 2024, theo xếp hạng của Henley & Partners (trong ngoặc là số quốc gia và vùng lãnh thổ mà người mang hộ chiếu đó được nhập cảnh không cần thị thực):
104. Afghanistan (28)
103. Syria (29)
102. Iraq (31)
101. Pakistan (34)
100. Yemen (35)
99. Somalia (36)
98. Libya, Nepal, lãnh thổ Palestine (40)
97. Bangladesh, Triều Tiên (42)
96. Eritrea, Sri Lanka (43)
95. Iran, Lebanon, Nigeria, Sudan (45)