Trong vai một người có nhu cầu mua hóa đơn để hợp thức hóa chi phí đầu vào, phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy được một người rao bán hóa đơn khống trên mạng đon đả chào mời. Người này cho biết có thể xuất hóa đơn nhiều ngành nghề, trừ hóa đơn viện phí, khám chữa bệnh không hỗ trợ được do công ty không có mã ngành kinh doanh lĩnh vực này; đồng thời, hỗ trợ đầy đủ hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho, với chi phí mua hóa đơn khống phụ thuộc vào tổng giá trị ghi trong hóa đơn.
DOANH NGHIỆP "MA" VƯƠN "VÒI BẠCH TUỘC" KHẮP NƠI
Theo bảng giá chào phóng viên, giá mua hóa đơn dưới 1 triệu khoảng 60-80 nghìn đồng/hóa đơn, giá mua hóa đơn trên 1-4 triệu đồng là 150 nghìn đồng/tờ. Với giá trị cao hơn, chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm.
Theo đó, hóa đơn trị giá từ 4-15 triệu, chi phí là 4%, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ, thấp nhất là 2,5% với hóa đơn từ 80-120 triệu đồng. Với công ty xuất hóa đơn có thời gian hoạt động lâu năm từ 5-10 năm, phí xuất hóa đơn sẽ cao hơn công ty mới thành lập.
Đặc biệt, ngoài chào mời mua bán hóa đơn khống, các đối tượng còn ban hành chính sách cộng tác viên, vươn “vòi bạch tuộc” khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Khi đó, giá trị hóa đơn chỉ 1-2 triệu cũng chi nhẹ hoa hồng để lấy khách, còn xuất hóa đơn giá trị cao sẽ trích phần trăm giới thiệu.
Khi phóng viên e dè lo mua phải hóa đơn trong danh sách “đen” do cơ quan thuế mới công bố gần đây, người này thừa nhận mua bán hóa đơn ở Hà Nội gần đây khó khăn hơn, đặc biệt trong đợt cơ quan thuế “quét” trong tháng 5, khiến nhiều doanh nghiệp phải lên giải trình vì sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, không hoạt động.
Trong đợt truy quét hoá đơn này, cơ quan thuế loại bỏ những hóa đơn không đủ điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) đầu vào và không được tính chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cũng nhận "trát phạt" hàng chục triệu đồng.
Do mua bán hóa đơn khó khăn hơn trước đây nên người này mách nước người mua cần kiểm tra trên hệ thống tra cứu thông tin hóa đơn trước khi báo cáo thuế, xem công ty có hoạt động hay không hoặc phát sinh vấn đề, cần gửi lại sớm để xử lý, xuất lại hóa đơn.
Còn nếu công ty vẫn bình thường thì việc xuất khống hóa đơn vẫn diễn ra trót lọt. Một cách khác là có thể mua hóa đơn thì công ty hoạt động thật nhưng phí rất đắt và thủ tục lâu hơn.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ luật về thuế và quản lý rủi ro trong quản lý thuế.
Bên cạnh đó, theo chia sẻ của kế toán một doanh nghiệp, thay vì muốn thanh kiểm tra phải đến doanh nghiệp kiểm tra như trước đây, từ khi áp dụng hóa đơn điện tử, việc lưu trữ điện tử nên cán bộ thuế có thể kiểm tra bất cứ lúc nào và có lỗi thì báo doanh nghiệp kịp thời giải trình.
Thế nhưng, dù đã chuyển đổi sang hóa đơn điện tử nhưng có cầu ắt có cung, các đối tượng vẫn mua bán hóa đơn điện tử qua lại giữa các công ty, hợp thức hóa hóa đơn chứng từ làm giảm số thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, thu lời bất chính với số tiền lớn.
NHIỀU DOANH NGHIỆP RƠI VÀO "TẦM NGẮM"
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã chuyển hồ sơ hàng loạt doanh nghiệp “ma” có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn trái phép sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị để phối hợp điều tra, xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cục Thuế tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý thuế tập trung và hệ thống hóa đơn điện tử, phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn trái phép.
Các đối tượng này dùng chiêu trò thành lập doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và hoạt động chỉ một thời gian ngắn, không nhằm hoạt động sản xuất kinh doanh mà hướng đến việc mua, bán và sử dụng hóa đơn để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.
Đơn cử, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai thuế của Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, cơ quan thuế phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm bất thường.
Cụ thể, theo hồ sơ, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 11/2018, vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Ngày 8/5/2022, doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và được cơ quan thuế chấp nhận. Căn cứ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế từ ngày 8/5/2022 đến 16/5/2023, doanh nghiệp này sử dụng 65 hóa đơn điện tử.
Đối chiếu doanh thu kê khai trên hồ sơ khai thuế VAT với doanh thu bán ra trên ứng dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị phát hiện có sự chênh lệch bất ngờ về doanh thu và thuế VAT các mặt hàng xuất bán chủ yếu là đất, cát, đá, vận chuyển…
Đáng lưu ý, quý 1/2023, theo thông tin trên tờ khai thuế VAT của doanh nghiệp này, doanh thu là hơn 1,68 tỷ đồng, thuế VAT đầu ra là hơn 168 triệu đồng. Thế nhưng, trên hệ thống hóa đơn điện tử ghi nhận doanh thu tới 256,3 tỷ đồng, thuế VAT đầu ra là hơn 25,63 tỷ đồng. Như vậy, chênh lệch về doanh thu của doanh nghiệp này là hơn 254,6 tỷ đồng và chênh lệch thuế VAT đầu ra là hơn 25,46 tỷ đồng.
Trước những dấu hiệu bất thường này, Chi cục Thuế khu vực Đông Hà - Cam Lộ cùng chính quyền địa phương xã Cam Chính kiểm tra, xác minh địa chỉ mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan thuế.
Kết quả phát hiện Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cũng như không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật của công ty.
Từ những thông tin trên, cơ quan thuế nhận thấy Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị có dấu hiệu rủi ro cao về thuế.
Do đó, Cục Thuế tỉnh Quảng Trị gửi công văn về việc chuyển tin báo có dấu hiệu sử dụng không hợp pháp hóa đơn đối với Công ty TNHH MTV Lộc Anh Quảng Trị sang cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Trị để phối hợp điều tra, xử lý.
Cũng theo ghi nhận của Cục Thuế tỉnh Quảng Trị, nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp này đều không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cũng như không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật.
Sở dĩ doanh nghiệp “ma” dễ dàng hoành hành, chia sẻ với phóng viên, một giám đốc công ty tư vấn thuế cho biết, thủ tục thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn rất đơn giản, dễ dàng nhờ người thân hoặc thuê người đứng tên giám đốc, với chi phí chỉ vài triệu đồng và chỉ phải chờ đợi ít ngày, cũng không cần xác minh vốn kinh doanh, tài sản.
Điều này tạo kẽ hở cho các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán lòng vòng hóa đơn mà không cần giao dịch thực tế. Hầu hết các doanh nghiệp này có tuổi thọ rất ngắn và không có hoạt động kinh doanh thực tế, không có nhà kho, bến bãi, phương tiện sản xuất hay nhân công lao động. Các doanh nghiệp cử nhân viên đi tìm kiếm khách để bán hóa đơn cho các công ty trên khắp cả nước có nhu cầu mua hóa đơn giả để kê khai báo cáo thuế, hoàn thuế thu lợi bất chính.
Trước tình trạng mua bán hóa đơn nhức nhối trên, Tổng cục Thuế vừa công bố danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn điện tử; đồng thời, yêu cầu cục thuế địa phương rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của đơn vị này.
Trường hợp phát hiện doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của hơn 500 doanh nghiệp này, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ việc sử dụng hóa đơn để khấu trừ, hoàn thuế thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu... Các cục thuế căn cứ hành vi vi phạm thực tế và quy định pháp luật để kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an.
Cơ quan thuế cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh, loại bỏ hóa đơn của 524 doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn điện tử khi làm thủ tục quyết toán thuế. Khi kiểm tra, nếu phát hiện việc sử dụng hóa đơn của 524 doanh nghiệp này, cơ quan thuế sẽ xử phạt theo quy định.
Trước đó, trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, các cục thuế lập danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro và rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương.
Dấu hiệu rủi ro của người nộp thuế cần rà soát như: nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng lớn hóa đơn... để đưa vào danh sách phải thực hiện giám sát trọng điểm.
Dẫu biết việc mua bán hoá khống phải triệt tận gốc, tuy nhiên, đợt truy quét doanh nghiệp có rủi ro về hoá đơn của cơ quan thuế cũng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía những doanh nghiệp kinh doanh thực chất, giao dịch thật và thanh toán, xuất hóa đơn đầy đủ.
Bởi theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đang bị "vạ lây" do cách đây vài năm, hoá đơn kiểm tra hợp lệ nhưng sau đó, doanh nghiệp bán hàng cho mình phá sản, không còn ở địa chỉ kinh doanh nữa. Thế nhưng, đến giờ doanh nghiệp mới "tá hoả" nhận được email của cơ quan thuế yêu cầu giải trình hóa đơn mua bán với công ty bỏ trốn và bị rơi vào "tầm ngắm" rủi ro trong sử dụng hóa đơn.
HOÁ ĐƠN GIẢ SẼ SỚM BỊ PHÁT GIÁC
Chia sẻ về vấn đề mua bán hóa đơn trái phép, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định đây là hành vi trắng trợn, những đối tượng thực hiện hành vi nghĩ rằng hoạt động trong môi trường điện tử sẽ khó bị xử lý.
Do đó, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cơ quan này đã và đang chỉ đạo ngành thuế triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, rủi ro của những doanh nghiệp và thực hiện giám sát, cảnh báo sớm, để sai phạm xảy ra ở mức thấp nhất. Chẳng hạn, một doanh nghiệp rất nhỏ nhưng số lượng hóa đơn lớn, giá trị giao dịch cao sẽ rơi vào tầm giám sát, khi đó, sẽ phát hiện sớm gian lận và xử lý theo quy định pháp luật...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam