Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội) mới đây tiếp nhận một nam bệnh nhân 42 tuổi, ở Hải Dương, vào cấp cứu sau đột quỵ. Tại nhà, sau khi tắm khuya, bệnh nhân đột ngột đau đầu, ý thức chậm dần, đi vào hôn mê. Sau khi được sơ cứu tuyến trước, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, giờ thứ 3 sau đột quỵ. Tại đây, mặc dù đã được hồi sức cấp cứu tích cực, tuy nhiên tổn thương đột quỵ chảy máu não quá nặng, bệnh nhân hôn mê sâu không còn khả năng cứu chữa.
Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, một bệnh nhân khác nhập viện trước bệnh nhân nêu trên, đang được điều trị tích cực. Đêm 6/12, anh này được gia đình đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi tắm khuya. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết não với khối máu khá lớn. Tình trạng này buộc các bác sĩ phải phẫu thuật mở sọ để giải ép áp lực não.
CHÚ Ý DẤU HIỆU ĐỘT QUỴ MÙA LẠNH
Theo các bác sỹ, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận các bệnh nhân bị đột quỵ, nhiều người khá trẻ, độ tuổi dưới 50. Như 2 trường hợp đột quỵ trên đều là những người bệnh khá trẻ, không có bệnh lý mạn tính. Tai biến xảy ra sau khi tiếp xúc với lạnh đột ngột, để lại di chứng nặng nề và đe dọa tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Thái Đàm Dũng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, cho biết nguyên nhân khiến đột quỵ gia tăng khi thời tiết lạnh do nhiệt độ môi trường giảm không chỉ gây co thắt mạch máu làm tăng huyết áp, mà còn làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến cả đột quỵ do xuất huyết não và nhồi máu não. Các dấu hiệu đột quỵ mùa lạnh như: khuôn mặt lệch, tê hoặc yếu một bên; yếu hoặc không nâng được một bên tay; nói khó, nói lắp hoặc không hiểu lời nói…
Khi thấy những triệu chứng này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức, vì thời gian vàng trong 6 giờ đầu quyết định hiệu quả điều trị. Ngoài ra, người dân cần chú ý đến các triệu chứng khác như: đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thị lực hoặc mất thăng bằng đột ngột… Nếu không phải nhân viên y tế, trong quá trình chờ cấp cứu, không nên tự ý cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vì một số loại thuốc sẽ làm tình trạng xuất huyết não trở nên nghiêm trọng hơn và làm các biến chứng sẽ càng nặng nề hơn, tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, cần lưu ý không chích máu ngón tay người bệnh; không cử động, lắc người bệnh; không cho người bệnh ăn hay uống để tránh sặc,… Người nhà cũng không nên cạo gió, nặn chanh vào miệng. Đây là những quan niệm sai lầm, không hỗ trợ gì cho người bị đột quỵ. Đối với người bị đột quỵ mùa lạnh, nên để người bệnh nằm nghiêng một chỗ, nới lỏng quần áo, tránh để người bệnh mặc trang phục quá chật, ghi lại thời gian người bệnh có dấu hiệu đột quỵ cũng như các triệu chứng của người bệnh để có thể cung cấp với nhân viên y tế.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200 ngàn ca bệnh đột quỵ mới. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế. Theo thống kê của các cơ sở điều trị đột quỵ, khoảng 71% bệnh nhân đột quỵ không thể tiếp tục công việc trước đó, 31% bệnh nhân cần chăm sóc hàng ngày, 20% bệnh nhân cần trợ giúp khi đi lại và 16% cần chăm sóc lâu dài.
KẾT HỢP ĐÔNG - TÂY Y ĐEM LẠI HIỆU QUẢ CAO
Ngày 23/12, Hội nghị khoa học toàn quốc Đông - Tây y kết hợp chủ động phòng đột quỵ não và phục hồi chức năng sớm đã được Hội Đông y Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tới các điểm cầu trên toàn quốc. Theo GS.TS. Lê Văn Thính, Đơn vị đột quỵ não, Trung tâm thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai), đột quỵ não là trạng thái cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý sớm sẽ để lại di chứng rất nặng nề.
Có 2 loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết não. Trong đó, đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Theo thống kê, hiện nay có đến khoảng 85% ca bệnh đột quỵ thuộc nhóm này. "Đột quỵ não cấp tính cần nhanh chóng được cấp cứu bằng y học hiện đại, nhưng sau khi được cứu sống cần phối hợp các phương pháp của Đông y để điều trị. Bởi lẽ, hầu hết bệnh nhân sẽ có những di chứng với các mức độ khác nhau như: Liệt vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và một số rối loạn cơ thể khác", GS Thính nói.
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, y học cổ truyền Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phòng ngừa và phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não. Với những phương pháp điều trị đa dạng và kinh nghiệm lâu đời, y học cổ truyền không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, mà còn có thể hỗ trợ tích cực trong quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ. Các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp và thảo dược có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, phục hồi chức năng vận động, giảm thiểu di chứng và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình hồi phục.
Tuy nhiên, việc sử dụng y học cổ truyền cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và an toàn, đặc biệt khi kết hợp với các phương pháp điều trị Tây y, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các chuyên gia về y học hiện đại đã cập nhật các thông tin mới trong sinh lý bệnh cũng như chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân đột quỵ não như: Những tiến bộ mới trong nghiên cứu bệnh lý mạch máu; chẩn đoán và điều trị đột quỵ não; chỉ định và các phương pháp can thiệp nội mạch trong điều trị nhồi máu não, xuất huyết não…
Về phần Đông y, đã có các báo cáo kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân như: Tổng quan trúng phong, phục hồi chức năng sau đột quỵ; các di chứng sau đột quỵ não và vai trò của châm cứu - cấy chỉ trong phục hồi chức năng các di chứng sau đột quỵ; nghiên cứu sản phẩm phòng và điều trị huyết khối, đột quỵ từ thảo dược…
GS.TS. Cao Minh Châu, Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng lưu ý, đột quỵ não là bệnh lý xảy ra đột ngột, dễ để lại hậu quả di chứng, do đó phục hồi chức năng đối với người bệnh là rất quan trọng. Quan điểm trước đây thường cho rằng, phục hồi chức năng được thực hiện sau khi có di chứng, nhưng hiện nay, phục hồi chức năng từ giai đoạn cấp có tác động đến tính mềm dẻo của não và có thể thúc đẩy cải thiện tình trạng.
Thực hiện phục hồi chức năng chất lượng cao ngay từ giai đoạn cấp bằng y tế nhóm, với sự phối hợp bác sĩ ngoại thần kinh, nội thần kinh, phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng, dược sĩ… góp phần phục hồi chức năng và nâng cao tỷ lệ hòa nhập xã hội của người bệnh đột quỵ não.