Mặc dù trong những năm qua, Hà Nội đã rất nỗ lực triển khai các biện pháp và đưa ra một loạt các đề xuất nhằm cải thiện chất lượng không khí, thậm chí, đầu năm nay, thành phố đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, định hướng mục tiêu đến năm 2035, thế nhưng dường như vẫn là chưa đủ. Không khí trong lành hay ô nhiễm vẫn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết mà điển hình là từ tháng 10, tháng 11 kéo dài sang đến tháng 2, tháng 3 của năm sau.
Những ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thủ đô luôn dao động trong khoảng 101 - 177 đơn vị. Cùng với đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức cao, gấp hàng chục lần quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tác nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội được các chuyên gia phân tích, chủ yếu do nguồn thải từ phương tiện giao thông đường bộ và bụi đường, tiếp đến là nguồn công nghiệp và đốt rơm rạ. Bên cạnh đó, chất lượng không khí tốt hay xấu còn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng.
Khảo sát tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho thấy trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2.500 bệnh nhân tới khám với nhiều mặt bệnh khác nhau. Gần đây, bệnh viện cũng ghi nhận sự tăng lên rõ rệt số bệnh nhân tới khám và được chẩn đoán các bệnh liên quan đến dị ứng như viêm da tiếp xúc dị ứng, mày đay, viêm da cơ địa.
Theo các bác sĩ, trong những bệnh lý về da liễu, ô nhiễm không khí có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mày đay, lão hóa da, rám má, xạm da. Ô nhiễm không khí còn làm cho một số bệnh da kém đáp ứng điều trị và dễ tái phát nặng lên, kéo dài, khó điều trị hơn.
Chị Lê Hà Vân (26 tuổi, quận Hà Đông), một bệnh nhân đang thăm khám tại đây cho biết khoảng một tuần trở lại đây, da mặt chị xuất hiện nhiều mụn mủ, tập trung nhiều ở vùng mũi, trán, má. Đặc biệt, vùng da bị tổn thương ửng đỏ, phù nề và nhìn rõ các mạch máu. Các bác sỹ chẩn đoán chị mắc bệnh “trứng cá đỏ” mà nguyên nhân do ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, thành phố Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cùng với đó, thời tiết hiện vào mùa hanh khô, độ ẩm không khí thấp tạo điều kiện cho nhiều bệnh về da gia tăng. Các bệnh thường gặp là căng da, nứt nẻ, mẩn ngứa, ửng đỏ kéo dài. Với các trường hợp da mẫn cảm, đang trong quá trình làm đẹp (peel da, meso), da từng chịu tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid…, mức độ bệnh càng nặng nề.
Bác sĩ Vũ Thái Hà phân tích: “Độ ẩm không khí thấp khiến da hanh khô. Da không chỉ xấu hơn mà còn mất đi lớp bảo vệ, khiến dị nguyên từ môi trường, đặc biệt là bụi mịn dễ dàng xâm nhập. Do đó, da nhạy cảm và dễ mắc bệnh hơn”. Với một số trường hợp da nhạy cảm, do lớp bảo vệ bị mất đi nên bệnh nhân dùng bất cứ sản phẩm nào, kể cả dưỡng ẩm cũng có thể gây ra phản ứng, tạo ra tình trạng viêm trứng cá đỏ.
Đây là bệnh phải chăm sóc kỹ, điều trị lâu dài. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ lựa chọn sản phẩm giảm đỏ để giảm phản ứng của da, dùng thuốc để cải thiện tình trạng giãn mạch. Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ phải tính tới các biện pháp như laser, tiêm botox…
Đưa ra lời khuyên về các biện pháp bảo vệ da trong “mùa” ô nhiễm, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà lưu ý, người dân cần làm sạch da mặt, sử dụng đều đặn kem dưỡng ẩm để giữ lại hàng rào bảo vệ cho da. Những bệnh nhân có tiền sử da nhạy cảm, đang điều trị bệnh về da... khi có các dấu hiệu da khô, bất thường, tuyệt đối không tùy tiện bôi các loại thuốc, kem dưỡng ẩm lạ, không rõ nguồn gốc mà cần được thăm khám bởi các chuyên gia da liễu để được tư vấn và điều trị sớm.
Không chỉ tại Hà Nội hay Việt Nam, trên thế giới ô nhiễm không khí liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe - từ hen suyễn, ung thư phổi đến tiểu đường và béo phì. Trong bối cảnh đó, những bệnh lý về da thường ít được lưu ý. Trên thực tế, bác sỹ Carsten Flohr thuộc Hiệp hội bác sĩ da liễu Anh cho biết: Viêm da dị ứng có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến dị ứng thực phẩm và hen suyễn.
Người ta cho rằng ô nhiễm không khí có thể khiến con người nhạy cảm hơn với các chất gây dị ứng khác bằng cách đặt hệ thống miễn dịch vào trạng thái cảnh giác cao độ. “Ô nhiễm không khí giống như chất xúc tác trong phản ứng hóa học”, bác sỹ Flohr giải thích.
Trong đời sống thường nhật, bác sỹ khuyến nghị mọi người nên sử dụng máy lọc không khí trong nhà và sử dụng kem chống nắng khoáng chất có chứa kẽm hoặc titan, những chất này tạo ra lớp rào cản vật lý khiến các chất ô nhiễm trong không khí khó tiếp xúc trực tiếp với da hơn. Theo bà, điều quan trọng là mọi người phải có thói quen làm sạch da. “Bạn nên làm sạch da vào ban đêm, sau đó thoa một loại kem dưỡng ẩm không gây kích ứng, không có mùi thơm, để hồi phục hàng rào bảo vệ da”.
Tại các nước Đông Nam Á, tỷ lệ bệnh viêm da cơ địa trong dân số đang liên tục gia tăng, đạt mức khoảng 10 - 15%. “Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu về tỷ lệ viêm da cơ địa trong dân số nhưng ghi nhận thực tế khám chữa bệnh cho thấy, đây hiện là một trong những bệnh da thường gặp nhất ở các phòng khám, bệnh viện da liễu”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu (TP.HCM), đánh giá.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhân khám điều trị viêm da cơ địa trung bình chiếm hơn 20% tổng số lượt khám. “Có thể thấy tỷ lệ viêm da cơ địa tăng theo tình trạng ô nhiễm không khí do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Ô nhiễm không khí là vấn đề cần được quan tâm ở bệnh nhân viêm da cơ địa vì những khiếm khuyết hàng rào bảo vệ và giảm đề kháng, khả năng sửa chữa ở da làm cho các chất ô nhiễm dễ dàng xâm nhập và khởi phát đáp ứng viêm”, bác sĩ Hào cho biết.
Mới đây, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo cộng đồng các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 150 đến 200) người dân hạn chế hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức...
Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), nên tập thể dục trong nhà; hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; vệ sinh mũi, súc họng sáng - tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; theo dõi sức khoẻ. Nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.