Tại tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm hơn 400 nhà dân ở xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu. Rạng sáng nay ngày 20/9, nước lũ dâng cao gần 2m cô lập hoàn toàn Tân Hóa với bên ngoài. Hiện, nước vẫn đang tiếp tục lên.
Sau khi bão số 4 đi qua, chính quyền địa phương đã cảnh báo về hoàn lưu của bão có thể gây mưa lớn, ngập lụt. Khác với mọi năm trước, nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình bị nước nhấn chìm và cuốn trôi. Năm nay, người dân đã chuẩn bị đồ đạc, vật dụng và tài sản lên nhà phao tránh trú.
Nhà phao là một sáng kiến đã được triển khai từ nhiều năm trước ở Tân Hóa, giúp người dân thích ứng với lũ lụt. Khi nước dâng, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong.
Theo lãnh đạo địa phương, nhà phao là một sáng kiến đã được triển khai từ nhiều năm trước ở Tân Hóa, giúp người dân thích ứng với lũ lụt. Khi nước dâng, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong. Toàn xã có hơn 700 hộ dân, người dân nơi đây đã quen "sống chung với lũ". Đặc biệt nhờ nhà phao nên bà con địa phương đã ứng phó một cách chủ động, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, trên các tuyến đường trong tỉnh có 44 điểm sạt lở, chia cắt cục bộ, trong đó có các ngầm tràn ngập 2-3m nhưng đều được cảnh báo và chốt trực để bảo đảm an toàn. Cũng do các ngầm tràn bị ngập, gây chia cắt tạm thời nhiều bản làng vùng biên giới.
Đến sáng 20/9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 người ra khỏi vùng có nguy cơ cao do sạt lở.
Do ảnh hưởng của gió bão, tàu hàng Nam Anh 69 của Công ty cổ phẩn xây dựng và dịch vụ thương mại Nam Anh, có trụ sở Vinh, trên tàu có 6 thuyền viên do Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1978), thuyền phó chỉ huy neo đậu trên sông Gianh thì bị nước lũ cuốn trôi ra phía biển.
Hiện, tàu đang mắc cạn tại cửa sông Gianh, tình trạng thuyền viên sức khoẻ bình thường. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình đề nghị một số tàu kéo neo đậu tại sông hỗ trợ nhưng do nước to, chạy xiết nên các tàu không triển khai được, hiện đang tìm biện pháp khác.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn trong 2 ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường, cầu bị ngập sâu. Như tại huyện Hương Sơn nước lũ lên nhanh, nguy cơ ngập lụt tại các thôn Trưng, thôn Kim Cương 1, Kim Cương 2, Hà Trai, Vũng Tròn thuộc xã Sơn Kim 1.
Nước dâng nhanh cũng khiến một số cầu tràn bị ngập: Cầu tràn Trưng, Đại Kim (xã Sơn Kim 1), tràn Khe Sinh (xã Sơn Lĩnh), tràn Phố Tây (xã Sơn Tây).
Đặc biệt, lũ đổ về khiến mực nước sông Ngàn Phố dâng cao, nhấn chìm cầu Phố Giang (nối xã Sơn Giang và thị trấn Phố Châu). Hiện khu vực này đang cấm phương tiện lưu thông.
Tiếp đến, tại huyện Hương Khê cầu tràn bắc qua sông Ngàn Sâu nối trung tâm xã Hương Liên vào bản Rào Tre đã bị ngập nước sâu, gây chia cắt hoàn toàn. Tại huyện Vũ Quang mưa lớn, nước lũ dâng cao chia cắt nhiều tuyến đường dân sinh.
Trước tình hình mưa lũ, sáng 20/9, đã có gần 12.000 học sinh trên địa bàn 2 huyện miền núi Hương Khê và Hương Sơn phải nghỉ học.
Lực lượng chức năng địa phương chủ động thực hiện các phương án để kịp thời ứng phó với mưa lũ. Đồng thời tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở người dân không đánh bắt cá khu vực nước ngập sâu, không trục vớt củi, trên các sông suối... đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho người dân qua lại, nhất là học sinh.
Tại tỉnh Nghệ An, mưa lớn nhiều ngày đã khiến một số địa phương xảy ra sạt lở đường, ngập đường, chia cắt. Nhiều nhà dân ở các điểm trọng yếu về sạt lở đã được địa phương di dời đến nơi tránh trú an toàn.
Cụ thể, mưa lớn, nước dâng cao qua các cầu tràn, khiến các tuyến đường vào xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương không thể lưu thông. Vì vậy, xã này đã bị chia cắt với các địa. Xã Ngọc Lâm có gần 6.000 nhân khẩu, hiện có 3 hộ ở khu vực ngập lũ đã được di dời tới nơi an toàn.
Tại địa bàn huyện Thanh Chương hiện tại có cầu treo Sông Giăng nay đã xuống cấp, rất bếp bênh trong mùa mưa lũ. Cây cầu nằm trên trục quốc lộ 46C nối hai xã Thanh Liên và Thanh Thịnh. Trước việc cầu yếu, các đơn vị quản lý đã cho người túc trực, hạn chế phương tiện lưu thông trên cầu.
Tại huyện Kỳ Sơn, mưa lớn, gây sạt lở nghiêm trọng tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu. Điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến 2 hộ dân, trong đó 1 hộ phải di dời ngay lập tức. Lực lượng chức năng đã hỗ trợ tháo dỡ nhà cửa và di dời hộ dân này đến nơi an toàn.
Cũng tại huyện Con Cuông, tuyến đường từ bản Chôm Lôm đi bản Yên Hòa, xã Lạng Khê, Con Cuông, bị sạt lở nặng. Nhiều tảng đá khổng lồ từ trên lèn rơi xuống chắn ngang đường làm giao thông đi lại gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ cho người đi đường.
Trước sự việc trên, UBND xã Lạng Khê đã thông báo cho người dân trên địa bàn không lưu thông trên tuyến đường này đồng thời bố trí lực lượng canh gác, cấm người và phương tiện qua lại đề phòng rủi ro.