Theo báo cáo do công ty tư vấn Deloitte, doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm 2023 ở Mỹ ước tính sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 5 năm. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng và các kênh mua sắm trực tuyến dự kiến sẽ tăng từ 3,5% - 4,6% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 - 1/2024, với tổng trị giá từ 1.540 tỷ USD đến 1.560 tỷ USD.
Khoản tiết kiệm mà các hộ gia đình Mỹ có được trong thời kỳ đại dịch đang bị xói mòn nhanh chóng. Các khoản vay sinh viên của hàng triệu người Mỹ, bắt đầu đến hạn thanh toán từ ngày 1/10, dự kiến sẽ khiến ngân sách các hộ gia đình thêm căng thẳng. Tuy nhiên, theo Deloitte, không phải tất cả hoạt động bán lẻ đều u ám trong kỳ nghỉ lễ 2023. Riêng mảng mua sắm trực tuyến dự báo sẽ là một điểm sáng trong mùa nghỉ lễ năm nay, với mức tăng trưởng từ 10,3% - 12,8%, tập trung vào mảng sản phẩm thiết yếu và có giá rẻ.
Theo Business of Fashion, các nền tảng ở Trung Quốc, thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, gần đây đã mô tả một “cuộc chiến về giá trị đồng tiền” gây ra bởi sự bất ổn kinh tế và sự phục hồi bán lẻ chậm hơn dự kiến sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế Covid-19 vào cuối năm ngoái. Trong khi đó, ở phần lớn phần còn lại của thế giới, từ Đông Nam Á đến Bắc Mỹ và châu Âu, người tiêu dùng đang bị cuốn theo các nền tảng bán lẻ giá rẻ phát triển nhanh chóng, như Temu của PDD Holdings và TikTok Shop thuộc sở hữu của Bytedance, trong thời điểm mà chi phí sinh hoạt là vấn đề đáng được quan tâm.
Sharon Gai, cựu giám đốc tài khoản toàn cầu tại Alibaba và là tác giả của cuốn “Thương mại điện tử được tái hiện lại”, cho biết: “Các nhà bán lẻ trực tuyến khác đang chứng kiến sự nổi lên của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ từ những hãng như Temu và Shein. Họ không biết liệu có thể cạnh tranh hay không”. Thực tế là, sau một thời gian khá im ắng, những ngày gần đây, ứng dụng thương mại điện tử Taobao của Alibaba bắt đầu phát sóng hàng loạt đoạn livestream bán hàng trên khắp Trung Quốc.
Trong cuộc họp hồi đầu tháng 8, Trudy Dai, CEO của Taobao Tmall Commerce Group, khẳng định họ sẽ tiếp tục đầu tư phát triển nội dung xoay quanh mua sắm, tiêu dùng và cuộc sống hằng ngày. Không chỉ vậy, Alibaba còn tập trung vào chiến lược giá rẻ, mở hẳn một phần mới trên app Taobao chuyên dành riêng cho các sản phẩm có giá dưới 1 NDT hoặc được giảm giá mạnh. Những động thái này diễn ra khi kinh tế Trung quốc đang không phát triển như kỳ vọng.
Trước tình hình thị trường như thế, các nhà bán lẻ đang tăng cường giảm giá, đặc biệt là hàng hóa dùng lâu bền, với hy vọng kích thích nhu cầu mua sắm. Thậm chí, các nền tảng liên tục tung ra các đợt giảm giá, dù không nhằm bất kỳ sự kiện nào. Chẳng hạn JD.com, một đối thủ của Taobao, cũng quay lại với chiến lược giảm giá kể từ tháng 3. Taobao vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác mới có thể hỗ trợ họ trong chiến lược giá rẻ. Họ thu hút được thêm 5,12 triệu nhà bán trong năm vừa qua, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các đối thủ cạnh tranh giảm giá khác cũng đang phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như Pinduoduo và Douyin ở Trung Quốc. Temu và Shein, đã triển khai dịch vụ của họ đến tận các quốc gia từ Canada đến Úc, cũng như khắp Châu Mỹ Latinh và một số thị trường châu Á, đồng thời cũng đang rót hàng tỷ đô la vào các khoản trợ cấp và giảm giá để tăng thị phần. Không thể đứng ngoài cuộc, Amazon cũng chuẩn bị tăng cường giảm giá từ tháng 10 đến hết năm.
Tại Mỹ, khảo sát từ các nhà bán lẻ lớn như hệ thống siêu thị Target và Home Depot biết khách hàng gần như đã từ bỏ việc mua sắm tùy ý. Thay vào đó, khuynh hướng mua hàng hiện nay là tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, bao gồm cả hàng tạp hóa. Theo công ty Challenger, hàng năm, vào thời điểm này, hầu hết các tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ thường đã công bố kế hoạch tuyển dụng nhân viên phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm. Nhưng năm nay, phần lớn vẫn chưa thực hiện điều đó.
Tạp chí Phố Wall dẫn ý kiến các chuyên gia phân tích và giám đốc điều hành các hãng bán lẻ cho biết lạm phát dai dẳng ở mức cao, những thay đổi trong thị trường lao động và tình trạng sụt giảm ở một số bộ phận của thị trường chứng khoán đã góp phần tạo ra những khó khăn cho người tiêu dùng Mỹ. Vì vậy, người tiêu dùng Mỹ có xu hướng cắt giảm giao dịch cũng như là hạng mục mua sắm, chọn các thương hiệu nhỏ hơn với mức giá rẻ hơn.
Cuộc chiến giành “đáy” ở nhiều thị trường có thể còn trở nên khốc liệt hơn với sự xuất hiện của TikTok Shop. Vào tháng 9, TikTok đã mở rộng dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop cho tất cả 150 triệu người dùng ở Mỹ, thị trường lớn nhất của ứng dụng, sau khi thử nghiệm dịch vụ này với một số người dùng chọn lọc trong nhiều tháng. Họ cũng đang thử nghiệm một mô hình kinh doanh mới là bán sản phẩm thay mặt cho các nhà cung cấp Trung Quốc, một mô hình tương tự như chương trình “Sold by Amazon” của Amazon.
TikTok đã chia sẻ các bản ghi nhớ với các nhà cung cấp Trung Quốc, hướng dẫn họ cách tận dụng những ngày lễ mua sắm truyền thống của Mỹ. Theo tài liệu mà The Wall Street Journal có được, Halloween được coi là “lễ hội yêu thích của trẻ em” và các nhà cung cấp được khuyến khích bán các sản phẩm, tóc giả và kẹo có chủ đề bí ngô. TikTok nói với người bán rằng Black Friday là “ngày lễ mua sắm điên rồ nhất đối với người Mỹ”, hãy nghĩ đến việc người mua tích trữ trước Giáng sinh và các đợt giảm giá lớn. Theo Reuters, họ đã khuyến nghị các nhà cung cấp bán các sản phẩm như lông mi giả và robot hút bụi.
Trong cuộc gọi với các nhà phân tích sau báo cáo thu nhập hàng quý mới nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba vào tháng trước, ông Trudy Dai nhận định: “Cuộc chiến về giá trị đồng tiền sẽ tiếp tục và sẽ là một lĩnh vực đầu tư lớn”.