Mới nhất, tập đoàn Kering, chủ sở hữu thương hiệu Gucci, thông báo rằng giám đốc sáng tạo Alessandro Michele sẽ rời nhà mốt Gucci, sau hơn 20 năm làm việc cùng thương hiệu Ý trong đó có 7 năm trong vai trò giám đốc sáng tạo. Tuy nhiên, thương hiệu sẽ vẫn đi theo định hướng thẩm mỹ của Alessandro cho đến khi một cấu hình sáng tạo mới được công bố, đại diện phát ngôn của thương hiệu tuyên bố.
“Đôi khi chúng ta không còn chung bước vì mỗi người có cái nhìn khác nhau. Hôm nay, một hành trình tuyệt diệu của tôi khép lại. Hơn 20 năm tôi đã dành mọi tình yêu và sức sáng tạo cho một công ty”, Alessandro Michele chia sẻ. Nhà thiết kế đến với Gucci năm 2002 dưới trướng của Tom Ford, từ từ thăng chức dưới thời Frida Giannini, sau đó được đề bạt lên vị trí giám đốc sáng tạo năm 2015.
Giám đốc Kering, François-Henri Pinault, cho biết: “Con đường mà Gucci và Alessandro đã đi cùng nhau trong những năm qua là duy nhất và sẽ vẫn là một khoảnh khắc nổi bật trong lịch sử của thương hiệu. Niềm đam mê, trí tưởng tượng, sự khéo léo để lồng ghép văn hóa của anh ấy đã đặt Gucci vào vị trí trung tâm”.
Sau khi nắm quyền sáng tạo của Gucci vào năm 2015, Michele khơi lại sự phấn khích xung quanh nhà mốt có trụ sở chính ở Milan. Một cuộc cải tổ toàn diện các sản phẩm, thông tin liên lạc và trang trí cửa hàng của Gucci do Michele dẫn đầu cùng với Giám đốc điều hành Marco Bizzarri thu hút một lượng lớn người theo dõi thương hiệu và giúp mở ra một thế hệ người tiêu dùng mới, trẻ hơn cho ngành công nghiệp xa xỉ phục vụ thị hiếu của những người mua trưởng thành hơn.
Từ năm 2015 đến năm 2019, doanh thu của Gucci tăng gần gấp ba lần và lợi nhuận tăng gấp bốn lần trong thời kỳ mở rộng nhanh chóng, điều chưa từng thấy trong lĩnh vực xa xỉ hiện đại, với tốc độ tăng trưởng hàng quý có thời điểm lên tới 50%. Nhưng Gucci bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, với doanh thu giảm 22% vào năm 2020. Và từ đó tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các đối thủ thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Dior và Hermès, những công ty có doanh số bán hàng bùng nổ khi người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu dù không khí kinh tế ảm đạm.
Gần đây nhất, trong quý 3/2022, tổng doanh số Gucci chỉ tăng trưởng 9%, trong khi đó Saint Laurent đạt 30%, nhóm hàng thời trang của tập đoàn LVMH tăng 22%, cả Hermès lẫn Chanel đều tăng trưởng ở mức độ 2 con số. Điều này dẫn đến việc giảm hiệu suất đáng kể của tập đoàn Kering trong thị trường xa xỉ vốn đang trong quá trình phục hồi sau các dấu hiệu suy thoái kinh tế trong những năm đại dịch. Tất nhiên, thông tin Alessandro rời đi do doanh thu giảm cũng không quá bất ngờ bởi trước đó, vị giám đốc sáng tạo tiền nhiệm Frida Giannini và CEO Patrizio di Marco cũng đã phải rời đi vì lý do tương tự.
Theo “các nguồn tin đáng tin cậy” của tờ WWD, Michele đã “được yêu cầu thay đổi phong cách thiết kế một cách mạnh mẽ” để tái tạo sức sống cho thương hiệu, nhưng có vẻ như anh đã không thể đáp ứng các tiêu chuẩn thương hiệu đề ra. Bên cạnh đó, để hồi sinh nhà mốt 101 tuổi, chủ tịch của Kering là François-Henri Pinault đã công bố một kế hoạch "Tăng tốc trở lại”. “Gucci đang bị thương tổn vì hình ảnh thương hiệu nhàm chán do Alessandro Michele không thay đổi sau bảy năm”, trích lời Luca Solca, nhà phân tích thị trường xa xỉ tại công ty tư vấn đầu tư Bernstein. “Để tiếp tục tăng trưởng, Gucci cần mở ra một chương sáng tạo mới”. Và cách nhanh nhất là thay thế giám đốc sáng tạo.
Hồi tưởng lại quãng thời gian làm việc tại Gucci, Michele kết luận: “Trong suốt thời gian dài này, Gucci là nhà của tôi, là gia đình nhận nuôi của tôi. Cùng với họ, tôi đã ước, đã mơ, đã tưởng tượng. Nếu không có họ, không thứ gì tôi đã xây dựng có thể thực hiện được. Gửi đến họ lời chúc chân thành nhất của tôi: mong các bạn tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ của mình, thứ vật chất tinh tế và vô hình khiến cuộc sống trở nên đáng sống”.
Trước đó, Michele cũng từng bóng gió nói đến việc anh muốn nghỉ ngơi khi thương hiệu tìm cách đẩy nhanh nhịp điệu sáng tạo của mình. “Làm việc ngày càng trở nên căng thẳng hơn đối với tôi,” nhà thiết kế nói với các phóng viên sau buổi trình diễn tại Tuần lễ thời trang Milan vào tháng 9. Giờ đây, cổ phiếu đã tăng 2% vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Tư sau khi nhật báo thời trang WWD đăng tin rằng việc Michele rời khỏi thương hiệu sắp xảy ra.
Không rõ tương lai sẽ ra sao đối với Michele, người đã bày tỏ niềm đam mê điện ảnh của mình – giống như Tom Ford – nhưng một nguồn tin cho rằng nhà thiết kế “có thể sẽ sớm nhận được một cuộc điện thoại từ đối thủ truyền kiếp của Kering là tỷ phú Bernard Arnault của LVMH”. Trong khi đó, câu hỏi ai sẽ kế nhiệm Michele để tạo ra bước ngoặt mong muốn cho thương hiệu vẫn còn bỏ ngỏ. Có nguồn tin đã ủng hộ khả năng Remo Macco, người gần đây đã được bổ nhiệm làm giám đốc thiết kế studio, lên kế nhiệm. Một vài mùa mốt gần đây, Remo Macco đã được giao nhiệm vụ cung cấp nhiều sản phẩm thương mại tối giản để cân bằng tính thẩm mỹ maximalism cổ điển của Michele.