Theo Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Viết Lượng, hiện nay trên thế giới đang có 2 chiến lược phòng chống Covid-19. Trong đó, một số ít quốc qua muốn lý tưởng hoá bằng cách làm sao để đưa số lượng người mắc Covid-19 về con số 0, tức “Zero Covid”. Trái lại, được nhiều quốc gia lựa chọn hơn là chiến lược “Sống chung với Covid”.
“Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đang bắt đầu đi theo chiến lược thứ hai. Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này, bởi lẽ nếu người dân vẫn còn giao lưu với nhau thì virus vẫn còn cách để tồn tại. Có thể trong một giai đoạn nào đó chúng ta đưa được số lượng người bị nhiễm Covid-19 về con số 0, nhưng chỉ là trì hoãn để tìm ra một biện pháp an toàn hơn, hiệu quả hơn chứ không thể kéo dài tình hình đó”, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng nêu quan điểm.
Với quan điểm sống bền vững, lâu dài với dịch bệnh, ông Lượng đưa ra 3 giải pháp chính.
Một là, vaccine là vũ khí chiến lược, cần phải triển khai càng nhanh càng tốt;
Hai là, cá nhân hóa phòng chống dịch;
Ba là, bảo vệ đối tượng yếu thế. Trong đó, vaccine được xem như giải pháp then chốt.
Tuy nhiên, cho đến nay, vaccine dành cho Covid-19 vẫn chỉ được đánh giá là không bền vững. Hiểu đơn giản, vaccine chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn, sau 6 tháng hoặc 1 năm buộc phải tiêm nhắc lại.
Như vậy, nếu kéo dài thời gian tiêm vaccine để hy vọng đạt được miễn dịch cộng đồng thì sẽ rất khó. Bởi lẽ, những người tiêm mũi đầu tiên chưa xong thì người tiêm mũi thứ 2 hoặc thứ 3 đã đến thời gian phải tiêm nhắc lại do kháng thể bắt đầu đi xuống. “Triển khai tiêm vaccine sớm là một chuyện, nhưng phải càng nhanh càng tốt”, vị chuyên gia đến từ Học viện Quân Y nhấn mạnh.
Hiện theo báo cáo của nhiều tổ chức trên thế giới, năng lực của các nhà sản xuất vaccine mới chỉ được gần 5 tỷ liều. Trái lại, nhu cầu tối thiểu để thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng phải khoảng 12 tỷ liều. Điều này cho thấy, lượng vaccine đang rất khan hiếm.
Nhận thức được điều này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã rất tích cực trong việc tiếp cận vaccine từ nước ngoài về bằng nhiều hình thức như ngoại giao, mua thương mại… Nhưng số lượng vaccine có thể về Việt Nam vẫn rất nhỏ giọt, chưa đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại.
“Hợp đồng vaccine hiện nay đa phần bỏ trống thời hạn giao hàng. Phải chấp nhận nhà sản xuất có lúc nào, chúng ra mới được giao lúc đó. Thậm chí giá cả cũng không được đàm phán”, Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng chia sẻ.
Do đó, tiếp cận vaccine đang có trên thị trường là đúng, tuy nhiên để lâu dài vẫn phải sản xuất vaccine trong nước. Và để tự chủ vaccine chúng ta có 2 cách: tự nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ.
“Chỉ khi tự chủ được nguồn cung chúng ta mới đạt được an ninh vaccine. Trong tương lai sẽ vẫn cần lượng vaccine cực kỳ lớn. Đồng thời, khi tự chủ chúng ta cũng đảm bảo được cả an toàn tiền tệ, tránh việc đổ tiền ra nước ngoài để mua vaccine”, PGS. TS Nguyễn Viết Lượng nói.
Ngoài ra, ông Lượng cũng cho rằng, tất cả các vaccine đều có một tỷ lệ rủi ro nhất định, chính vì lẽ đó, đã xuất hiện sự e ngại khi lựa chọn đối tượng tiêm và lựa chọn sản phẩm vaccine trong nước.
"Mọi người mới chỉ đặt việc an toàn lên đầu, nhưng chưa đặt vấn đề tiêm chậm thì có tác hại như thế nào", Thiếu tướng Nguyễn Viết Lượng nói. Hiện tỷ lệ tử vong khi tiêm vaccine rất thấp, mỗi loại vaccine sẽ có tác dụng khác nhau nhưng vaccine nào cũng có tác dụng tốt. Với tình trạng khẩn cấp như hiện nay, biết vaccine đó an toàn rồi, hiệu quả có thể chỉ 30%, 40% hoặc 60% thì vẫn phải đưa ra càng sớm càng tốt. Sau đó có thể tiếp tục nghiên cứu đánh giá.
“Các nhà quản lý, các nhà khoa học đừng ngồi một chỗ để chờ doanh nghiệp trình lên. Hãy xuống doanh nghiệp và gỡ khó cho họ. Chỉ khi đó, chúng ta mới nhanh chóng có vũ khí, có tấm khiên bảo vệ để sống lâu với Covid-19”, ông Lượng nêu giải pháp.