November 25, 2014 | 16:01 GMT+7

Muốn thuê nhà công vụ, ít nhất phải là thứ trưởng

Nguyễn Lê

Những điểm đáng chú ý trong Luật Nhà ở (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua chiều 25/11

Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.<br>
Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.<br>
Với Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua chiều 25/11, đối tượng được thuê nhà ở công vụ đã được thu hẹp hơn để đảm bảo tính khả thi.

Theo đó, luật đã được chỉnh lý theo hướng, nếu là cán bộ, công chức ở trung ương thì giữ chức vụ từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên, nếu ở địa phương thì từ cấp chủ tịch huyện, giám đốc sở và tương đương trở lên mới được thuê nhà ở công vụ, nhưng vẫn phải đáp ứng điều kiện là chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại nơi đến công tác và một số điều kiện khác theo quy định của luật.

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức khác nếu được điều động, luân chuyển đến công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo thì mới được bố trí thuê nhà ở công vụ như đối tượng là giáo viên, bác sỹ.

Liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vẫn còn có ý kiến cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về đối tượng và điều kiện sở hữu.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định mở rộng đối tượng, điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhằm tạo yếu tố thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài và phù hợp xu thế hội nhập quốc tế.

Để bảo đảm an ninh, quốc phòng thì trong dự thảo luật đã có các quy định chặt chẽ như: chỉ cho phép mua nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại không thuộc khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh, cho phép sở hữu có thời hạn 50 năm, hạn chế về tỷ lệ nhà ở được phép mua và sở hữu...

Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Nhưng, chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

Trường hợp trong một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư hoặc đối với nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì Chính phủ quy định cụ thể số lượng căn hộ, số lượng nhà ở riêng lẻ mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu.

Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong giấy chứng nhận.

Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.

Luật cũng đã quy định rõ hơn cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Cụ thể, Bộ Xây dựng quản lý nhà ở công vụ, nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn trung ương. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý nhà ở do hai bộ đầu tư;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà ở được đầu tư bằng nguồn vốn của địa phương và nhà ở được giao quản lý trên địa bàn.

Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate