Ngày 26/4, khoảng 16 triệu người dân tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã xếp hàng để xét nghiệm Covid-19.
Đây là một phần kế hoạch xét nghiệm cho khoảng 20 triệu trên tổng số 22 triệu dân trong bối cảnh nhà chức trách thủ đô đang chạy đua để dập tắt đợt bùng dịch mới và tránh phải phong tỏa hoàn toàn giống thành phố Thượng Hải.
Chứng kiến cảnh người dân Thượng Hải gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu tối thiểu, người dân Bắc Kinh đã bắt đầu tích trữ hàng hóa và đồ dùng.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh hi vọng có thể tránh rơi vào “vết xe đổ” của Thượng Hải bằng cách hành động nhanh chóng. Thành phố này đã bắt đầu xét nghiệm Covid-19 tại quận đông dân nhất Triều Dương vào sáng ngày 25/4. Tới nửa đêm, các nhà chức trách liệt kê thêm 10 quận khác và một khu phát triển kinh tế để xét nghiệm bắt buộc trong tuần này, với tổng số 20 triệu dân, bao gồm 16 triệu người được xét nghiệm trong ngày 26/4.
Yêu cầu xét nghiệm bắt buộc được đưa ra sau khi thành phố này phát hiện hàng chục ca nhiễm Covid-19 mới. Trước đó, thành phố Thượng Hải đã đợi khoảng một tháng và sau khi ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới bắt đầu triển khai xét nghiệm hàng loạt trên toàn thành phố vào đầu tháng này.
Liu Wentao, một đầu bếp sống tại Bắc Kinh, cho biết ông lo lắng về đợt bùng dịch mới nhưng tin rằng chính quyền thành phố có thể xử lý được.
"Công tác phòng chống dịch ở đây tốt hơn ở những nơi khác, vì vậy tôi nghĩ chúng tôi sẽ không rơi vào tình cảnh giống Thượng Hải”, ông Liu nói trên đường đi xét nghiệm Covid.
Ngày 25/4, Bắc Kinh ghi nhận 33 ca nhiễm Covid mới, tăng từ 19 ca ngày trước, và chưa ghi nhận ca tử vong nào kể từ khi đợt dịch mới bùng phát. Tổng số ca nhiễm tại thành phố này hiện thấp hơn rất nhiều so với hàng trăm nghìn ca tại Thượng Hải.
Trong khi đó, Thượng Hải ghi nhận 52 ca tử vong vì Covid trong ngày 26/4, tăng 1 ca so với ngày hôm trước và đưa tổng số ca tử vong từ ngày 17/4 lên 190. Tuy nhiên, nhiều người dân tại thành phố này nói rằng người thân hoặc bạn bè của họ đã từ vong sau khi nhiễm Covid vào đầu tháng 3, làm dấy lên nghi ngờ về số liệu thống kê mà chính quyền đưa ra.
Tại Bắc Kinh, các trường học, cửa hàng và văn phòng vẫn mở cửa, nhưng ngôi đền Lama - một biểu tượng của thành phố - sẽ đóng cửa từ ngày 27/4, còn Nhà hát quốc gia Bắc Kinh sẽ đóng cửa tới hết tháng.
Nhà chức trách Bắc Kinh đã kêu gọi người dân hạn chế rời khỏi thành phố và tránh tụ tập đông người vào dịp nghỉ lễ từ ngày 30/4 đến 4/5 tới.
Tâm lý lo lắng về nền kinh tế đang ngày càng lớn trong người dân, doanh nghiệp và thị trường tài chính Trung Quốc với chỉ số chứng khoán CSI300 sụt xuống mức thấp nhất gần 2 năm.
“Nếu tôi không thể đi làm thì sẽ không có thu nhập”, Dewei, 31 tuổi, nhân viên một phòng tập gym nhỏ ở Triều Dương, lo lắng.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, nếu phải áp đặt biện pháp phong tỏa, tác động kinh tế với Bắc Kinh có thể sẽ không nghiêm trọng như ở Thượng Hải – một trung tâm sản xuất, đồng thời là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc và toàn cầu.
“Tại Bắc Kinh, tôi cho rằng tác động tới doanh nghiệp sẽ ít hơn bởi hầu hết các công việc có thể thực hiện tại nhà”, Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tại Bắc Kinh, nhận định. “Ở đây ít tham gia vào hoạt động vận tải đường bộ và đóng gói hàng hóa hơn, ít hoạt động sản xuất hơn”.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Nie Wen của Hwabao Trust ước tính nếu cả Bắc Kinh và Thượng Hải đồng thời áp đặt phong tỏa, GDP của Trung Quốc có thể mất 1 điểm phần trăm trong quý 2. Điều này có thể gây thêm sóng gió cho thị trường bất động sản và bối cảnh địa chính trị tại Trung Quốc.
“Việc phong tỏa thủ đô của Trung Quốc sẽ mang ý nghĩa chính trị sâu sắc”, Yanzhong Huang, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) - một tổ chức nghiên cứu của Mỹ, nhận xét, đề cập tới danh tiếng quốc tế và những rủi ro bất ổn xã hội đối với Bắc Kinh.
Tại Thượng Hải, dù một số biện pháp phòng chống dịch đã được nới lỏng, hầu hết người dân vẫn bị hạn chế ra khỏi nhà hoặc không thể rời khu vực sinh sống. Kể cả những người được phép ra ngoài cũng không có nhiều lựa chọn bởi hầu hết cửa hàng và địa điểm khác đều đóng cửa.
Tại các khu vực mà người dân được phép ra khỏi nhà, họ phải tự thực hiện xét nghiệm kháng nghiệm kháng nguyên nhanh. Những nơi còn lại bắt buộc xét nghiệm PCR hàng ngày.
Tình trạng phong tỏa kép dài làm dấy lên sự bất mãn trong dân chúng do họ bị mất thu nhập, chia rẽ gia đình, điều kiện cách ly kém cũng như bị hạn chế tiếp cận dịch vụ y tế và thực phẩm.
Số lượng ca nhiễm mới không triệu chứng và có triệu chứng tại Thượng Hải ngày 26/4 đã giảm nhẹ xuống lần lượt là 15.319 và 1.661. Số ca nhiễm bên ngoài các khu vực cách ly vẫn ở mức 217 ca. Các thành phố bị phong tỏa khác đã bắt đầu nới lỏng hạn chế sau khi số ca nhiễm về mức 0.