April 18, 2022 | 11:02 GMT+7

Trung Quốc có thể mất 3% GDP tháng 4 do tiếp tục phong tỏa Thượng Hải

Hoài Thu -

Thượng Hải là một trong 73 thành phố đóng góp tổng cộng 53% GDP cả nước đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh tế...

Theo các chuyên gia, các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt tại thành phố Thượng Hải – trung tâm tài chính và hậu cần của Trung Quốc – đã bắt đầu ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi nhiều đô thị dự kiến có động thái tương tự.

Michael Song, giáo sư kinh tế tại Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK), ước tính việc tiếp tục phong tỏa thành phố này để phòng dịch Covid-19 có thể khiến GDP tháng 4 của Trung Quốc giảm 2,5-3%.

Ước tính này được ông Song đưa ra dựa trên mô hình dùng trong một luận văn nghiên cứu công bố mới đây của ông và 4 chuyên gia kinh tế khác đến từ Đại học Thanh Hoa, Đại học Chiết Giang, Đại học Princeton và Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế.

 

Hiện tại, chỉ 13 trên 100 thành phố hàng đầu Trung Quốc không áp dụng các biện pháp hạn chế liên quan tới y tế - bao gồm phong tỏa và cách ly. Trong khi đó, 73 thành phố đóng góp tổng cộng 53% GDP cả nước đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh tế.

Gavekal Dragonomics

Mô hình này sử dụng dữ liệu về lưu lượng xe tải tại 315 thành phố trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2022 để dự báo ảnh hưởng của đợt phong tỏa kéo dài một tháng tại Thượng Hải. Dự báo lưu lượng xe tải kết nổi với Thượng Hải, cũng như thu nhập thực tế của thành phố này, đều sẽ giảm 54%.

Lưu lượng xe tải là một chỉ báo hữu ích về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc – nơi vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm khoảng 73,8% tổng lưu lượng vận tải hàng hóa toàn quốc trong năm 2020, theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc.

“Càng nhiều các thành phố áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tương tự - điều mà mô hình chưa tính đến, nền kinh tế có thể càng chịu tác động nặng nề hơn”, ông Song cảnh báo.

Trong bối cảnh Thượng Hải đối mặt với đợt dịch Covid tồi tệ nhất kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, một số thành phố lân cận, bao gồm Tô Châu, Từ Châu, Xuzhou và Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, đã bắt đầu thực hiện hành động khẩn cấp để ngăn chặn hoặc kiềm chế sự lây lan của biến chủng Omicron.

Hiện tại, chỉ 13 trên 100 thành phố hàng đầu Trung Quốc không áp dụng các biện pháp hạn chế liên quan tới y tế - bao gồm phong tỏa và cách ly. Trong khi đó, 73 thành phố đóng góp tổng cộng 53% GDP cả nước đang áp dụng biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh tế, theo một phân tích tuần trước của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics.

“Nếu 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc - gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến và Quảng Châu – đều áp đặt phong tỏa trong vòng một tháng, GDP tháng của Trung Quốc có thể giảm tới 8,6%”, ông Song và nhóm của mình ước tính.

Nằm ở vùng đồng bằng sông Dương Tử, Thượng Hải, là một trung tâm sản xuất của Trung Quốc. Trong tháng 3, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Chỉ số PMI ngành dịch vụ của Caixin/Markit cũng giảm sâu nhất trong vòng 2 năm.

Đợt bùng dịch do biến chủng Omicron được dự báo sẽ tiếp tục tác động tới tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tháng này và cả quý 2 do việc tiếp tục phong tỏa Thượng Hải và các biện pháp hạn phòng dịch “bị thắt chặt quá mức” trong nước, theo một báo cáo của UBS đầu tháng này.

Tuy nhiên, những người lạc quan vẫn đặt hy vọng vào sự thành công gần đây của thành phố Thẩm Quyến. Tháng trước, trung tâm công nghệ phía Nam của Trung Quốc này đã kiểm soát thành công một đợt bùng dịch chỉ trong một tuần. Theo số liệu của nhóm ông Song, đợt bùng dịch này đã chỉ khiến chỉ số kinh tế - được do bằng lưu lượng xe tải – của Thẩm Quyến giảm 20%. Một số nhà phân tích cho rằng kịch bản tốt nhất là các thành phố khác của Trung Quốc cũng có thể lặp lại thành công của Thẩm Quyến.

Ngày 17/4, Thượng Hải ghi nhận thêm hơn 22.248 ca nhiễm mới, bất chấp lệnh phong tỏa kéo dài. Giới thạo tin cho biết thành phố này đặt mục tiêu ngăn chặn Covid-19 lây lan ngoài cộng đồng vào ngày 20/4, cho phép thành phố lớn nhất Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch và bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Hôm 12/4, chính quyền thành phố này thông báo sẽ gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tại hơn 40% địa bàn, dù thành phố này đang tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục mỗi ngày.

Trước đó, ngày 29/3, Thượng Hải siết chặt giai đoạn đầu của lệnh phong tỏa gồm hai giai đoạn phòng ngừa đại dịch Covid-19. Thành phố biển với 26 triệu dân này đã chia các khu vực dân cư thành 3 loại dựa trên rủi ro Covid-19 để hạn chế việc đi lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate